Nợ đọng xây dựng cơ bản đang là "vấn nạn" khiến nhiều doanh nghiệp nhà thầu lao đao, thậm chí "chết mòn". |
Vấn nạn nợ đọng tràn lan
Tại hội thảo "Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp" do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức vừa qua, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xây dựng kêu khó về tình trạng nợ đọng tiền, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà thầu.
Hầu hết các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đều chia sẻ quan điểm cho rằng hiện nay bên cạnh những khó khăn chung của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang mắc kẹt trong thế “khó chồng khó”.
Khó khăn đáng kể nhất khiến các doanh nghiệp “chết mòn”, càng làm càng lỗ, không làm thì phá sản là tình trạng bị các chủ đầu tư nợ đọng tiền hợp đồng xây dựng cơ bản.
Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết hiện có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng công nợ đến 31/3 lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý Nhà nước là 1.004 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng.
Hay Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng...
Thực tế, nợ đọng xây dựng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua của các nhà thầu xây dựng. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc xây dựng Trường Sơn, nợ đọng của doanh nghiệp chủ yếu diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ... Nợ đọng không chỉ 5 năm gần đây mà có những khoản nợ kéo dài trên 10 năm.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó giám đốc kinh doanh Tập đoàn Cienco 4, cho biết hiện nay các nhà thầu làm xong công trình hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán. Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để.
Hiện tại, tổng nợ đọng của doanh nghiệp này là 187 tỷ đồng trong đó, điển hình là Cầu Đông Trù (22,5 tỷ), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ), cầu Hòa Trung (74,2 tỷ), gói J3 Bến Lức - Long Thành (19,7 tỷ)...
Còn theo đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì có nhiều dự án tại doanh nghiệp kéo dài cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư không ký hồ sơ nghiệm thu buộc doanh nghiệp phải khởi kiện.
Nhận định về tình trạng của các doanh nghiệp nhà thầu Xây dựng trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho rằng nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết được thì 5-7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất.
Cần sớm có giải pháp tổng thể
Trước tình trạng nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư bán hàng, thu tiền về nhưng vẫn chưa chịu nghiệm thu thanh toán cho phía nhà thầu xây dựng, đại diện pháp lý tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiến nghị nhà nước nên có cơ chế đặc biệt đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư, bởi nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính mới dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn như hiện nay.
Còn theo ông Hoàng Trung Kiên thì khi sửa đổi Luật Xây dựng cần đưa vấn đề này vào luật, hoặc về cơ chế của chủ đầu tư cũng phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng.
Kiến nghị giải pháp gắn việc nghiệm thu thanh toán với nghiệm thu bàn giao hoàn thành của công trình, ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí COMA kiến nghị một công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng thì tất cả các công việc của dự án đó phải được coi như đã hoàn thành và phải được thanh toán.
"Bên cạnh đó phải có quy định và thực hiện nghiêm sau 1-2-3 năm (tùy cấp độ và quy mô vốn) kể từ ngày bàn giao công trình phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu còn phê duyệt sau đó là trách nhiệm của các bên liên quan", ông Vũ Xuân Thắng phân tích.
Tổng kết những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng nhưng “tiếng kêu cứu” của ngành xây dựng mà cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc.
“Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng cần luật hóa để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến bàn VCCI để đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư”, ông Hiệp cho biết.
Đối với bản thân các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, ông Hiệp đưa ra khuyến nghị về việc ác công trình xây dựng có vốn FDI ở Việt Nam đều có trách nhiệm pháp lý rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm thanh toán sòng phẳng, nghiêm chỉnh.
“Với các dự án có vốn FDI, các doanh nghiệp xây dựng cần phải phải tự đổi mới mình để có đủ năng lực tài chính, đội ngũ kỹ thuật...", Chủ tịch VACC nhìn nhận.