Trong số 27 Ngân hàng được khảo sát, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hiện đang dẫn đầu lợi nhuận sau thuế với 5.942 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là do trong quý 2/2022 Vietcombank đã giảm 15,3% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2.733 tỷ đồng.
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý 2/2022.
Á quân thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) với 5.880 tỷ đồng tăng 22,3% so với cùng kỳ. Kết quả này do Techcombank cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 417 tỷ đồng, giảm 30,3% so vói cùng kỳ.
Đứng ở vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt mức 5.264 tỷ đồng, tăng 39%.
Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với lợi nhuận sau thuế lần lượt 4.794 tỷ đồng và 4.681 tỷ đồng.
Kế đến vị trí thứ 6 là Ngân hàng TMCP Á Châu với 3.943 tỷ đồng lợi nhuận thu được sau thuế, tăng 52,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý 2/2022 nhưng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong quý 2/2022 lãi ròng của VPBank đạt 3.324 tỷ đồng, giảm 17,2% so với quý 2/2021.
3 ngân hàng khác lọt trong top 10 danh sách Ngân hàng có lợi nhuận cao lần lượt là Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) với 2.220 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 2.195 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
So với cùng kỳ, ngoài VPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhận âm trong quý 2/2022, 8 Ngân hàng khác cũng có sự sụt giảm về lợi nhuận bao gồm: Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) giảm 5,6%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm 27,7%; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm gần 35%; Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) giảm 14,3%, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm 1,8%; Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capial Bank) giảm 2%; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giảm 29,5% và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) giảm 21,4%.
Duy nhất có một Ngân hàng báo lỗ trong kỳ này là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với mức 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 79 tỷ đồng.
Nếu xét tốc độ tăng trưởng, thì Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank) đang dẫn đầu mức tăng 220%. Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) vtăng 116%; Vietinbank tăng 110%, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank tăng) tăng 94%, SHB tăng 83%, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tăng 82%, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng 76%, MBB tăng 75%, ACB tăng 52% và Vietcombank tăng 50%.