Nhằm giúp cho bạn đọc có cái nhìn tổng thể về “cú sốc” này, Báo Công Thương có loạt bài phân tích diễn biến sự việc cùng đánh giá của các chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp là “người trong cuộc”.
Từ sự cố của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Đầu năm 2022, Bộ Công Thương dự kiến, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3 (khoảng 70% nhu cầu trong nước), nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3 (khoảng 30% nhu cầu trong nước).
Theo kịch bản thông thường như hàng năm, nếu không có các biến động địa chính trị trên thế giới và cuộc xung đột Nga – Ukraine, tình hình xăng dầu ở Việt Nam sẽ không có vấn đề gì khi 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn đã đáp ứng được tới 70-80% nhu cầu trong nước. Riêng Nghi Sơn đáp ứng khoảng 35% nguồn cung trong nước.
Thế nhưng từ đầu tháng 1 và tháng 2 năm 2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1 năm 2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.
Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 năm 2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch. Sang tháng 3, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất và vẫn không có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5.
Ngày 11/11 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ thanh tra Nghi Sơn. Bởi giám sát bước đầu cho thấy, Nghi Sơn là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua, trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.
Khởi nguồn khó khăn này đã khiến cho khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước bị thiếu hụt, ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu.
Bộ Công Thương đã sớm nhận ra và có giải pháp khắc phục vấn đề này khi vào ngày 22/02/2022, Bộ Công Thương làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 24/02/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong Quý II/2022.
Đến khó khăn bất thường về nhập khẩu xăng dầu
Kịch bản là như vậy và nếu theo đúng kịch bản, nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ đảm bảo cho nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên có rất nhiều biến động phức tạp mang tính chất “dị biệt” khiến cho việc nhập khẩu xăng dầu không đạt được theo kế hoạch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý 3/2022, đã xảy ra tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022.
Chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Ngoài ra, theo thông tin từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tháng 10/2022, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Trả lời báo chí sau phiên họp lãnh đạo Chính phủ về điều hành xăng dầu tối 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin: Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu mét khối xăng dầu thành phẩm. Theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022 các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu mét khối xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu mét khối đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở 1 số phân khúc.
Để đạt được kết quả đó không phải là dễ dàng và bắt nguồn từ sự chủ động, kiên quyết “từ sớm, từ xa” của Bộ Công Thương mà trước hết trở lại với câu chuyện để nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại. Ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.
Với “tối hậu thư” chỉ đạo quyết liệt cùng những giải pháp tháo gỡ sau đó, từ đầu tháng 5/2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu hoạt động trở lại và đạt 100% công suất, đến nay đạt 105% công suất. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 109% công suất vào tháng 10 và tiếp tục tăng lên tới 112% công suất vào tháng 11 là những nỗ lực rất lớn… góp phần tăng nguồn cung trong nước.
Song sự thiếu hụt nguồn cung còn một phần do nền kinh tế phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 8%, cao hơn mức dự kiến 6-6,5% cũng một phần gây áp lực về nguồn cung xăng dầu, cho dù Bộ Công Thương đã dự kiến, có nhiều giải pháp tăng lượng phân giao nhập khẩu xăng dầu cũng như tăng nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước.
Tuy nhiên, đứt gẫy nguồn cung vẫn diễn ra bởi nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có lẽ phải khẳng định việc hao hụt về nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn suốt mấy tháng đầu năm 2022 cộng với việc giảm tới 40% nhập khẩu trong quý III, cộng với nhiều doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu không thực hiện đã gây áp lực “cộng dồn” thiếu nguồn cung lên thị trường. Đó là chưa kể một phần tác động của việc triệt phá các đường dây buôn bán xăng dầu lậu, giả… thời gian qua cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường, trong đó có vụ buôn lậu xăng giả lên tới hàng trăm triệu lít.
Tuy vấn đề này cần phải được xác minh, làm rõ, đánh giá kỹ hơn song xét một cách tổng thể, năm 2022 đã có những khó khăn chưa từng có tác động đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Chính vì thế, từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra ban đầu ở một số tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh, sau đó xuất hiện ở một số địa phương khác và xảy ra cả ở miền Bắc, thậm chí ở Hà Nội với hình ảnh các cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.
Các chuyên gia nói gì về “khó khăn dị biệt”?
Để đi tìm lời giải cho cú sốc đứt gẫy rất “lạ lùng” của thị trường xăng dầu, ngày 10/11 vừa qua, Báo Công Thương đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu”.
Các chuyên gia phân tích, trong hơn 40 năm qua, thế giới đã chứng kiến khoảng 9 cuộc khủng hoảng năng lượng như: Khủng hoảng dầu lửa 1973 - 1975 khiến giá tăng vụt và người mua phải xếp hàng dài; Cách mạng Iran và biến động thị trường dầu lửa năm 1979; Giá dầu tụt thê thảm vào những năm 1980; Cơn sốt giá dầu năm 1990; Giá dầu xuống dốc năm 2001; Đợt khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng năm 2007 - 2008 và cú sốc dầu lửa 2011.
Còn ở Việt Nam, cũng không phải lần đầu xảy ra “cú sốc” xăng dầu. Năm 2011, từng có một cuộc “khủng hoảng” xung quanh câu chuyện điều hành, giá cả xăng dầu. Một bài báo viết ngày 20/9/2011 về hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tổ chức có đoạn nêu thực trạng rất giống hiện nay, dù 11 năm đã trôi qua: “Thời gian qua, có tình trạng lúc lãi các doanh nghiệp thi nhau nhập xăng dầu về bán, nhưng lúc lỗ nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không nhập tí nào. Vi phạm quy định về dự trữ lưu thông như Xăng dầu quân đội, Xăng dầu Mekong nhưng không thể xử lý được vì chúng ta điều hành như thế làm sao dám trị người ta? Doanh nghiệp đang gánh lỗ rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các biện pháp khác".
Trở lại với cuộc tọa đàm do Báo Công Thương tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích, đưa ra những thông tin sâu sắc câu chuyện “dị biệt” của thị trường hiện nay.
Theo PGS, TS Ngô Trí Long, đầu năm 2022, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến căng thẳng về năng lượng rất lớn bởi Nga chiếm 40% cung cấp năng lượng cho Châu Âu, có nguồn khí đốt rất lớn, cho nên lượng cung lớn như vậy mà bị tác động thì các nước phương Tây liên kết lại và ra những lệnh trừng phạt sắp đặt nhằm đánh vào túi tiền vào Nga (chính là dầu thô) cũng khiến làm cho gián đoạn đứt gãy nguồn cung.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2022 là năm cực kỳ đặc biệt trong khoảng 40 năm qua của thị trường Việt Nam và với cả thị trường thế giới cũng rất đặc biệt. Từ khi bắt đầu bùng phát xung đột tại Ukraina đã tác động đến thị trường xăng dầu khiến giá thế giới tăng đến 60%. Nhưng thực tế cho thấy, Nga vẫn bán, thị trường xăng dầu thế giới tăng đỉnh trong 6 tháng và đảo chiều bắt đầu giảm nhanh, dẫn đến hoạt động cung ứng xăng dầu có những thay đổi. Vấn đề ở đây, là nếu những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không tỉnh táo “ôm” hàng thì dẫn đến việc hụt hẫng khi giá có thể rơi xuống tới 20% và như vậy là bị lỗ. Và khi đã lỗ, doanh nghiệp sẽ bị thâm hụt vào nguồn vốn, không có tiền để nhập hàng tiếp, nói chung khó khăn nhiều vấn đề.
Từng là lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam phân tích: Đây là cuộc khủng hoảng có những dị biệt: giá dầu thô có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cơ cấu sản phẩm xăng dầu bị ảnh hưởng bởi tác động này. Do đó, chỉ một mặt hàng diezel là phải thay thế giá gas. Chính vì thế, có những thời điểm giá diezel vọt lên cao nhất mọi thời đại. Giá dầu diezel cộng thêm các loại phụ phí có thời điểm lên cao nhất tới gần 200 USD/thùng.
Ở Việt Nam chúng ta ghi nhận lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, giá diezel cao hơn cả giá xăng.
Tháng 7 khi giá dầu lên đỉnh điểm thì giá xăng trở về nhịp độ bình thường, xoay quanh giá dầu thô. Lợi nhuận lọc dầu của xăng có thời điểm thấp hơn dầu thô. Nhưng ngược lại là giá diezel vẫn duy trì ở mức rất cao. Cho đến thời điểm này vẫn ở mức khoảng 40 USD/thùng. Như vậy chúng ta có thể thấy được sự biến động của cơ cấu sản phẩm trong cuộc khủng hoảng này.
Năm 2022 là năm đặc biệt: mức độ tăng, tần suất tăng, giảm là ở mức độ cực kỳ lớn. Cụ thể, trong 1 ngày, giá dầu có thể biển động 10-12 USD trên một phiên giao dịch. Trong khi trước đây, chu kỳ này phải mất 15-20 ngày thậm chí 1 tháng.
Cảnh tượng xếp hàng mua nhiên liệu tại các trạm xăng dầu đã trở nên quen thuộc ở cả những nơi là “kinh đô” của thế giới. Đó là câu chuyện của năm nay, nhưng với Vương quốc Anh, câu chuyện xếp hàng như này không phải là mới, ngay từ năm 2021, hiện tượng xếp hàng đã diễn ra khi một số trạm xăng dầu đã buộc phải tạm thời đóng cửa do thiếu tài xế giao hàng. Hình ảnh những người lái xe xếp hàng dài để đổ đầy bình cho xe của mình đã trở thành cảnh tượng ngày càng quen thuộc ở Pháp. Cũng có cảnh các trạm xăng dầu tạm thời phải đóng cửa vì hết hàng. Chính phủ cho biết, có tới 30% các trạm xăng của Pháp đang bị thiếu hụt tạm thời ít nhất một hoặc nhiều loại nhiên liệu.
Hàng dài xếp hàng xung quanh các trạm xăng ở thủ đô thương mại của Sri Lanka và vùng ngoại ô ngày nay mặc dù chính phủ đảo quốc này đang cố gắng cung cấp nguồn cung cấp nhiên liệu và giải quyết bất kỳ tình trạng bất ổn nào khi nước này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc. Kanchana Wijesekera, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka cho biết, nguồn cung cấp xăng 95-octan, chủ yếu được sử dụng cho ô tô, đã được nhận và đang được phân phối trên khắp đất nước 22 triệu người đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu trong nhiều tháng.