Số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, quy mô chăn nuôi có những biến động đan xen. Trong khi, đàn trâu cả nước ước giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 61,2 nghìn tấn, giảm 0,9%; thì đàn bò ước tăng 0,9%; sản lượng thịt 245,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng sữa 662,8 nghìn tấn, tăng 8,4%.
Đối với chăn nuôi lợn, đàn lợn ước tăng 2,5%; sản lượng thịt hơi 2,33 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm nay, đàn gia cầm ước tăng 0,9%; sản lượng thịt hơi 1,04 triệu tấn, tăng 4,8%và sản lượng trứng 9,1 tỷ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chăn nuôi đã bớt khó khăn
Nhận xét về tình hình chăn nuôi trong 6 tháng qua, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào (thức ăn chăn nuôi, các chi phí khác…) đã tăng trong thời gian dài và hiện đang ở mức cao nhưng giá xuất bán sản phẩm đầu ra không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm.
Trong quý 1, giá bán thịt lợn hơi ở mức thấp, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể bù lỗ nên đã phải dừng nuôi. Tuy nhiên sang đến quý 2, giá thịt lợn hơi đã tăng nhanh, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức khá cao 60-65 nghìn đồng/kg, chăn nuôi lợn đã đạt được lợi nhuận khá.
Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất đang có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2325,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 0,9% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1041,8 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Tống Xuân Ch inh, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 6/2023 ước đạt 44 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 65 triệu USD, tăng 9,9%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 68 triệu USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6/2023 ước đạt 303 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,67 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 618 triệu USD, giảm 12,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 6/2023 ước đạt 560 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 3,4 tỷ USD; giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: đậu tương 1,31 triệu tấn (836 triệu USD); ngô hạt 3,3 triệu tấn (1,1 tỷ USD); khô dầu các loại 2,3 triệu tấn (1,1 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 978 nghìn tấn (321 triệu USD); cám các loại 285 nghìn tấn (70 triệu USD); gạo, tấm 237 nghìn tấn (79 triệu USD); thức ăn bổ sung 190 nghìn tấn (232 triệu USD)…
Trong nửa đầu năm, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng thức ăn chăn nuôi, đem về kim ngạch ước 500 triệu USD. Nhưng vậy, cân đối thương mại, toàn ngành chăn nuôi nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD.
Bám sát 5 đề án rường cột
Nhận định về tình hình chăn nuôi 6 tháng cuối năm, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng bức tranh ngành chăn nuôi đã có biến chuyển tích cực hơn, giá các sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại. Cùng với đó, giá phần lớn các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mì… đều đã giảm nhiệt so với năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm: Giá đậu tương nhập khẩu bình quân là 639 USD/tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022; Giá lúa mì nhập khẩu bình quân là 361 USD/tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Giá ngô nhập khẩu bình quân là 335 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Tuy vậy, dịch bệnh vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Ngoài ra, kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký, và 2 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán cũng sẽ tác động đến ngành chăn nuôi”, ông Dương Tất Thắng nói.
Trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.
Trong nửa cuối năm 2023, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, trong đó có 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; chỉ đạo phát triển sản xuất, đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt trên lợn và gia cầm.
Cục sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở chăn nuôi giống lợn, gia cầm cấp cụ kỵ, ông bà. Tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi, trên cơ sở Dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.
Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị liên quan trong triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng và cúm gia cầm và lở mồm long móng.
Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
“Đây là những đề án được xây dựng rất công phu, khoa học, trên cơ sở của Chiến lược, là “rường cột” để thực hiện chiến lược về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.