CEO Tim Cook đã yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tăng cường bảo mật người dùng bằng cách siết chặt quy định phân phối ứng dụng trên iPhone. Thảo luận giữa hai bên đã diễn ra trong buổi gặp gỡ đối thoại vào tháng 12/2022, Nikkei đưa tin.
Ở thị trường châu Âu, Apple đã gặp khó khi chính phủ các nước yêu cầu iPhone cho phép tải các ứng dụng bên thứ 3 mà không cần thông qua App Store. Ngay sau đó, Tim Cook đã ghé thăm Nhật Bản để tìm cách ngăn những đạo luật tương tự diễn ra ở quốc gia châu Á. Theo Nikkei, đây là chuyến đi đến Nhật Bản đầu tiên của CEO Apple trong 3 năm trở lại đây.
Cook đã gặp Thủ tướng Fumio Kishida hôm 15/12, nhắc đến khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD của Apple vào chuỗi cung ứng Nhật Bản trong suốt 5 năm qua. Vị CEO khẳng định tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tại quốc gia này. Nói với báo giới, Cook cho biết Thủ tướng Nhật Bản rất hài lòng với mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và khoản đầu tư khổng lồ của Apple.
Tại buổi gặp mặt, ông Kishida đã yêu cầu Apple bổ sung thẻ nhận diện danh tính My Number trên iPhone. Đây là mã gồm 12 chữ số gắn liền với mỗi cá nhân, chứa toàn bộ thông tin của cá nhân đó, giúp chính phủ Nhật Bản quản lý dữ liệu người dân.
Thủ tướng cho biết việc số hóa thẻ My Number trên iPhone nằm trong kế hoạch chuyển đổi số của quốc gia này. Chính phủ Nhật Bản cho rằng hợp tác với Apple, hãng công nghệ chiếm 50% thị phần smartphone trong nước, sẽ thúc đẩy những dịch vụ khác sử dụng thẻ My Number thường xuyên hơn.
Về phần Apple, Cook nói rằng tập đoàn sẽ triển khai kế hoạch này, nguồn tin nội bộ tiết lộ. Song, hãng công nghệ bày tỏ lo ngại về việc quản lý số My Number trên iPhone. Ông đề xuất chính phủ Nhật Bản nên có những quy định cụ thể về phân phối app trên điện thoại để không ảnh hưởng đến quyền riêng tư và bảo mật của người dùng.
Trước đó, trong một báo cáo về thị trường di động trong nước, chính phủ Nhật Bản từng đề cập đến việc Apple và Google đang chặn người dùng cài đặt các ứng dụng bên thứ ba, nằm ngoài kho ứng dụng chính thức.
Bên cạnh đó, chính sách thu phí 30% cho các giao dịch trong ứng dụng (in-app purchase) được xem là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Về phần Apple, hãng vẫn kiên quyết cấm download ứng dụng từ nguồn bên ngoài do lo ngại về các mã độc tấn công nguy hiểm. Tập đoàn công nghệ Mỹ cho rằng việc App Store quản lý mọi ứng dụng trên iPhone là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn người dùng.
Apple khẳng định sẽ làm việc sát sao với chính phủ Nhật Bản để tháo gỡ khúc mắc này. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang soạn thảo quyết định cuối cùng về quy định App Store của Táo khuyết bằng cách trưng cầu ý kiến người dân và thảo luận nội bộ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Tim Cook ghé thăm Trung Quốc và đối thoại với Thủ tướng Kishia về vấn đề phân phối ứng dụng trên App Stores, 9to5mac nhận định.
Song, ở thị trường châu Âu, tình hình với Apple lại không mấy tích cực. Tháng 12/2022, phóng viên Mark Gurman của Bloomberg tiết lộ Apple dự tính cho phép người dùng cài kho ứng dụng bên thứ 3 trên iPhone, iPad trước sức ép của EU. Sự thay đổi này sẽ xuất hiện vào phiên bản iOS 17 năm sau. Điều này sẽ giúp họ không còn bị giới hạn trong hệ sinh thái Apple và tránh mức thuế 30% mỗi khi thanh toán trong ứng dụng.
Theo Bloomberg, đây là động thái của Apple trước đạo luật chống độc quyền mới của EU, tạo điều kiện cho các nhà phát triển bên thứ 3 có chỗ đứng và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Do đó, nếu cho phép tải kho ứng dụng bên thứ 3, Apple sẽ khó lòng giữ vị thế độc quyền trên thị trường dịch vụ di động. Bên cạnh đó, một số kỹ sư trong công ty cũng cho rằng việc cho phép kho ứng dụng bên ngoài sẽ cản trở quy trình phát triển các tính năng khác của Apple.