Nền tảng đánh giá hiệu suất Internet SpeedTest cho biết tính đến tháng 1, tốc độ truy cập mạng di động trung bình trên thế giới đạt 37,98 Mbps trong khi tốc độ mạng băng rộng cố định đạt 76,34 Mbps.
Việt Nam đang có tốc độ truy cập mạng di động 46,66 Mbps, xếp thứ 43/138 quốc gia được khảo sát và tăng 8 bậc so với đợt đánh giá trước đó của SpeedTest. Tốc độ mạng băng rộng cố định đạt 84,18 Mbps, xếp thứ 45/179 và tăng một bậc. Cả hai số liệu này đều cao hơn mức trung bình của thế giới.
Riêng khu vực Đông Nam Á, tốc độ truy cập mạng di động của Việt Nam chỉ xếp sau Brunei (xếp thứ 12, tốc độ 89,63 Mbps) và Singapore (xếp thứ 9, tốc độ 78,92 Mbps).
Đối với mạng băng rộng cố định, Việt Nam đang kém hơn Singapore (xếp nhất, tốc độ 234,55 Mbps), Thái Lan (xếp thứ 6, tốc độ 201,81 Mbps), Malaysia (xếp hạng 47, tốc độ 92,69 Mbps), Philippines (xếp thứ 41, tốc độ 88,13 Mbps).
Hiện UAE là quốc gia có tốc độ mạng di động nhanh nhất thế giới (đạt 161,15 Mbps), kế đó là Qatar (155,51 Mbps), Na Uy (136,08 Mbps). Hàn Quốc (124,84 Mbps), Trung Quốc (99,48 Mbps), Kuwait (109,93 Mbps), Bahrain (95,83 Mbps) cũng là các quốc gia châu Á nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ mạng di động nhanh nhất.
Đối với mạng băng rộng cố định, Singapore đang dẫn đầu với tốc độ lên tới 234,55 Mbps. Thái Lan cũng là quốc gia Đông Nam Á hiếm hoi sau Singapore có mặt trong top 10 với tốc độ 201,81 Mbps.
Theo hệ thống đo tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam, TP.HCM xếp trên Hà Nội về cả hai tiêu chí. Tuy nhiên, tốc độ mạng băng rộng di động của các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm mạnh trong tháng 2 vừa qua. Tình trạng chững tốc độ cũng xuất hiện tương tự ở tốc độ băng rộng cố định.
Trên thực tế, đây cũng là giai đoạn nhiều tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố. Có thời điểm cả 5 tuyến cáp đều bị trục trặc và ảnh hưởng xấu đến chất lượng Internet trong nước.