Thông tin kể từ ngày 1/9 nhiều ngân hàng đã bắt đầu áp dụng chính sách cho cá nhân vay mua nhà, mua xe được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác khiến người mua bất động sản vui mừng. Như vậy, họ có thể chuyển khoản nợ từ ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp.
Thực tế, mỗi ngân hàng lại có điều kiện, quy định riêng biệt liên quan đến chính sách trả nợ ngân hàng khác hộ khách hàng. Và việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác luôn gắn liền với hàng loạt thủ tục và chi phí.
Chị Nguyễn Ngọc (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2023, vợ chồng chị mua căn nhà đất diện tích 39m2, với giá 3,8 tỷ đồng. Ở thời điểm mua, phía ngân hàng giải ngân song song với người bán. Tổng số tiền mà chị Ngọc vay ngân hàng là 1 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Lãi suất cho vay năm đầu tiên là 11%/năm. Những năm sau, mức lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,8%. Thời gian vay kéo dài 25 năm. Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng chị Ngọc phải trả khoảng 12,5 triệu tiền gốc lãi, trong đó 9,2 triệu tiền lãi và 3,3 triệu tiền gốc.
Theo tính toán của chị Ngọc, khi hết ưu đãi năm đầu tiên, mức lãi suất thả nổi có thể lên tới 13%/năm. Như vậy, mỗi tháng, chị Mai phải chi trả khoảng gần 14 triệu đồng/tháng.
Sau khi đọc thông tin về chính sách của một số ngân hàng cho cá nhân vay mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, vợ chồng chị Ngọc phấn khởi, bàn tính tìm hiểu một số ngân hàng để chuyển khoản nợ. Tuy nhiên, việc vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng không dễ như tính toán cũ hai vợ chồng chị Ngọc.
“Hiện tại, tôi liên hệ được 2 ngân hàng tìm hiểu về chính sách chuyển khoản nợ.
Đầu tiên, tôi liên hệ với nhân viên tín dụng Ngân hàng Vietcombank. Nhân viên tư vấn cho tôi 2 phương án. Một, vợ chồng tôi chủ động vay khoản tiền 1 tỷ đồng ở bên ngoài tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Hai, chúng tôi có thể thế chấp một tài sản khác như lô đất để lấy khoản tiền này dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ.
Khi trao đổi về phương án ngân hàng Vietcombank có hỗ trợ tự tất toán giúp khoản nợ ở ngân hàng cũ. Nhân viên tín dụng cho rằng: “Nếu phía ngân hàng hỗ trợ tự tất toán giúp khoản nợ ở ngân hàng cũ cho khách hàng, rủi ro đang nghiêng về phía ngân hàng do tiền đã giải ngân nhưng tài sản thế chấp nằm tại ngân hàng cũ. Sẽ phải mất khoảng thời gian để phía ngân hàng cũ rút sổ khỏi kho và tiến hành giải chấp. Lo ngại hơn, nếu xảy ra tranh chấp, rủi ro sẽ thuộc về phía ngân hàng”.
Nhân viên tín dụng tư vấn, hợp lý nhất, đó là vợ chồng tôi tự vay tiền ngoài trả nợ và làm hồ sơ vay vốn mới tại ngân hàng Vietcombank bởi hiện tại lãi suất ở ngân hàng này rất thấp.
Sau tìm hiểu, chúng tôi thấy, phương án đưa ra không hợp lý. Vì chúng tôi không thể tự tất toán bằng vốn tự có/hoặc tự vay cho khoản nợ cũ để làm hồ sơ lại từ đầu như khách hàng mới tại ngân hàng này. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có thêm tài sản để thế chấp.
Một ngân hàng khác mà chúng tôi liên hệ là Ngân hàng ACB. Mức lãi suất cho vay của ngân hàng này khá hấp dẫn, chỉ 8%/năm đầu tiên. Phía ngân hàng này còn cho khách hàng trả nợ trước hạn trung bình mỗi tháng 200 triệu đồng, không chịu phí phạt. Như vậy, giả sử trường hợp nhà tôi trả nợ trước hạn cho khoản vay 1 tỷ đồng trong vòng một năm sẽ không phải chịu phí phạt.
Về thủ tục chuyển gói nợ từ ngân hàng cũ sang ngân hàng ACB, nhân viên tư vấn chúng tôi mất một số khoản phí như: phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp. Ngoài ra, khách hàng vay sẽ phải mất phí công chứng và một số phí khác theo quy định như khách hàng vay mới.
Phía ngân hàng sẽ thẩm định lại tài sản, căn cứ vào thu nhập của người vay và dựa trên nhu cầu khoản tài chính để cho vay. Phí phạt trả trước hạn của ngân hàng cũ, chúng tôi phải tự chi trả. Phía ngân hàng chỉ tất toán khoản nợ (nếu đáp ứng đủ điều kiện về thu nhập, giá trị tài sản đem thế chấp).
Chị Ngọc cũng tính toán, với khoản vay 1 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm. Mỗi năm chị trả 130 triệu đồng tiền lãi. Nếu chuyển sang phía Ngân hàng ACB, lãi suất 8%, chị Ngọc tiết kiệm được 50 triệu đồng.
Nếu mức lãi suất thả nổi của ngân hàng ACB lên tới 11%/năm thì chị Ngọc cũng sẽ giảm gánh nợ khoảng 20 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khoản phí phạt trả trước cho khoản tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng cũ là 3%, tức vợ chồng chị Ngọc sẽ mất thêm 30 triệu đồng. Khoản tiền làm thủ tục vay vốn mới ước tính 10-15 triệu đồng, chưa kể một số chi phí bảo hiểm khác.
“Hiện tại, chúng tôi đang tính toán lại xem khả năng trả nợ của gia đình và tính toán lại các phí để đưa ra quyết định. Vì tính cả phí phạt và các phí khác, bao gồm tiền bảo hiểm ước tính lên tới 40-50 triệu đồng”, chị Ngọc nói.