Đầu năm nay, tôi có một trải nghiệm “đáng nhớ” với chiếc Apple Watch Series 5. Trong một chuyến đi 2 ngày, tôi quên mang sạc cho đồng hồ. Chiếc Watch chỉ trụ được đến tối đầu tiên, và hôm sau bị nhét vào túi để đi về. Những người bạn, đeo các mẫu chuyên cho thể thao với pin dài hơn, không quên chế giễu tôi về điều này.
Thời lượng pin vốn là điểm trừ quen thuộc trên Apple Watch. Do đó, tôi khá hứng thú với việc Apple Watch Ultra được nâng cấp pin, dung lượng cao hơn khoảng 40% so với mẫu Series 8.
Ngoài những tính năng chuyên sâu cho chạy và lặn, Watch Ultra cũng có những điểm mới hướng tới người thích khám phá thiên nhiên. Do đó, tôi quyết định thử thách chiếc đồng hồ mới nhất với một chuyến leo núi.
Pin tốt hơn, nhưng không đủ cho 2 ngày hoạt động nhiều
Chuyến đi của tôi lên đỉnh Lùng Cúng (Yên Bái) và cắm trại ở thung lũng Tà Cua Y kéo dài 3 ngày, 2 đêm, có thể coi là dài gấp đôi lần đi trước. Ước tính chiếc Watch Ultra nhiều khả năng cũng không “trụ” được hết chuyến đi, tôi quyết định sẽ thử sử dụng như điều kiện leo núi thông thường, và sẽ sạc vào ngày thứ hai để có đủ pin cho tới lúc đi về nhà.
Nhằm tối ưu pin, tôi tắt chế độ màn hình luôn bật (Always-on Display), đồng thời tắt thông báo từ điện thoại, bởi cũng xác định khi vào rừng sẽ khó có sóng điện thoại, ít liên lạc. Chiếc iPhone đã được bật chế độ máy bay ngay từ khi bắt đầu leo. Nếu cần gọi người giúp, tôi dự định thử tính năng “còi báo” (siren) trên đồng hồ, và tin tưởng các bạn leo cùng cũng như porter.
Chuyến đi của tôi bắt đầu vào hơn 9h sáng, leo khoảng 3 tiếng rồi dừng ăn trưa. Sau bữa trưa, chúng tôi tiếp tục di chuyển và tới lán nghỉ vào 15h. Lúc này, pin của chiếc đồng hồ vẫn còn 65%, sau khi ghi lại tổng cộng 6 giờ leo núi cùng một loạt thử nghiệm về tính năng hú còi hay lưu đường đi.
Nhóm chúng tôi lên đến đỉnh vào sáng ngày thứ hai, sau đó quay về điểm hạ trại để có thêm một đêm trong rừng. Tới 15h ngày thứ hai, sau hơn 30 giờ sử dụng, trong đó khoảng gần 15 giờ ở chế độ đo luyện tập, chiếc Watch Ultra còn hơn 10% pin, và tôi đã phải sạc. Mức này không chênh nhiều so với con số 36 giờ sử dụng hỗn hợp mà Apple đưa ra.
Như vậy, nếu muốn hoàn thành một chuyến đi dài 2-3 ngày, chiếc Apple Watch Ultra khó đi theo người dùng trọn vẹn quãng đường ở chế độ bình thường. Kể cả khi tôi chỉ leo núi 2 ngày 1 đêm, mức pin này đồng nghĩa với việc tôi buộc phải sạc pin sau khi hoàn thành phần leo núi và trên đường về nhà.
Khi mở lại các chế độ thông báo, màn hình luôn bật và sử dụng ở điều kiện bình thường trong suốt một thời gian sau, tôi thường xuyên đạt được thời gian sử dụng pin 2 ngày khi luyện tập khoảng 1-2 giờ/ngày. Với viên pin to hơn, tần suất sạc của mẫu Watch Ultra đã giảm một nửa so với những mẫu Watch trước đây tôi từng dùng.
Thật tiếc là tôi đã hoàn thành chuyến đi này trước khi Apple giới thiệu bản cập nhật watchOS 9.1, với tính năng tiết kiệm pin mới mà hãng hứa hẹn có thể kéo dài tới 60 giờ, tương đương 2,5 ngày.
Nhiều tính năng để tận dụng khi dã ngoại
Dù sử dụng khi đi chơi hay trong văn phòng, nâng cấp về kích thước và độ sáng màn hình trên Watch Ultra cũng thể hiện rất rõ. Kể cả khi dùng dưới điều kiện nắng gắt, màn hình vẫn đủ sáng để tôi nhìn thông số, xem giờ.
Ở bản cập nhật watchOS 9, Apple bổ sung 2 tính năng quan trọng cho người thích dã ngoại trong ứng dụng La bàn, đó là đặt điểm tọa độ và ghi lại đường đi. Riêng với Watch Ultra, hãng có thêm tính năng hú còi, được kích hoạt bằng cách giữ nút màu cam trên thân đồng hồ.
Tôi sử dụng tính năng đặt điểm tọa độ để ghi lại vị trí trại của mình cũng như nơi xuất phát. Đồng hồ cho phép lưu tên, màu sắc và icon để dễ phân biệt các điểm.
Với những chuyến đi mà điểm bắt đầu và kết thúc là cùng một nơi, tính năng này có thể giúp người dùng dễ dàng định vị và tìm về điểm xuất phát hay nơi gửi xe. Tuy nhiên, lần này tôi lên và xuống theo hai cung đường khác nhau, vị trí trại đêm đầu và đêm thứ hai cũng cách khá xa, nên tính năng này không mấy phát huy tác dụng.
Tính năng thứ hai, ghi nhớ đường sẽ lưu lại toàn bộ quãng đường kể từ khi bấm bắt đầu, bao gồm cả khoảng cách, những ngã rẽ, đoạn ngoặt. Tôi hình dung tính năng này sẽ hữu dụng hơn trong chuyến đi vào hang lần trước, khi tôi di chuyển nhiều lần giữa điểm hạ trại, dòng suối ngầm trong hang, khu vực ăn và vệ sinh, mỗi điểm cách nhau vài chục - vài trăm mét, và trong hang cũng khó định vị vì chỉ có đèn cá nhân.
Còn trong chuyến đi này, khi các khu trại đều khá nhỏ, tôi có thể phần nào ghi nhớ được điểm hạ trại, khu vệ sinh mà không thực sự cần tính năng “dò ngược đường”.
Tính năng cuối, được tôi kỳ vọng nhiều nhất là Còi báo. Trong một chuyến đi cách đây 2 năm, tôi và một người bạn từng bị lạc đoàn do đi chậm hơn, không thể theo kịp nhóm đi đầu. Rất may là chỉ 10 phút sau, porter nhóm đi cuối bắt kịp và đưa chúng tôi về đích.
Để mở còi, tôi chỉ cần giữ nút màu cam một lúc, thao tác rất đơn giản. Ngày đầu tiên, những người bạn đi cùng đều khá ấn tượng với âm lượng từ chiếc đồng hồ nhỏ trên tay. Lúc dừng lại nghỉ trưa, người bạn đứng cách xa khoảng 150 m vẫn nghe được tiếng còi từ chiếc Watch Ultra.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi đi từ 4h sáng lên đỉnh để kịp ngắm bình minh, chiếc còi không còn gây ấn tượng. Sức gió quá lớn ở gần đỉnh núi khiến những người đi gần tôi, khoảng cách dưới 30 m cũng không nghe rõ tiếng. Đến trưa, khi chúng tôi nghỉ ở gần một dòng suối, tiếng suối khiến âm thanh còi không rõ, lại gần giống tiếng chim nên hơi khó nhận biết. Dù sao, khi đã lạc trong rừng, tôi nghĩ bất kỳ điều gì làm tăng khả năng được tìm thấy cũng đều đáng quý.
Một điểm đáng khen của Watch Ultra là khá nhẹ. Nhiều người bạn của tôi cũng ngạc nhiên khi cầm chiếc đồng hồ này lên, nhất là khi nhìn ngoại hình thô và dày. Khi leo núi hoặc chơi thể thao, đồng hồ càng nhẹ sẽ càng giảm tải cho người đeo.
Giống như những lần leo núi trước, tôi chọn chế độ tập luyện Hiking (đi bộ dài) trên chiếc Watch để theo dõi một số thông tin như đoạn đường đi được, độ cao đã leo hay nhịp tim.
Trên chiếc Watch Ultra, Apple bổ sung nút “hành động” ở phía trái chiếc đồng hồ. Tôi gán cho nút này bắt đầu bài tập leo núi, để đỡ bị quên mỗi khi dừng nghỉ. Nút này cũng làm quá trình theo dõi các môn thể thao khác như đạp xe, chạy dễ dàng hơn nhiều, vì nút bấm bao giờ cũng tiện hơn cảm ứng khi đang hoạt động. Nút cứng cũng đảm bảo tôi có thể sử dụng với găng tay mà không cần điều chỉnh trên màn hình.
Phải đánh đổi nhiều thứ để phá cách
Được thiết kế để pin tốt và thích hợp nhiều môn thể thao, Apple Watch Ultra to, khác hẳn và có phần khá thô so với những mẫu Watch trước đây. Chi tiết thiết kế gây tranh cãi nhất có lẽ là phần nhô bao lấy núm xoay và nút bấm ở cạnh phải.
Viền màn hình nhô cao trông cũng kém tinh tế hơn phần viền phẳng quen thuộc. Phần này đôi lúc tì vào tay khi chơi thể thao, hoặc khiến tôi không thoải mái khi đeo đi ngủ.
Khi đưa bạn bè tôi dùng thử, nhiều người cũng không thể đeo được chiếc đồng hồ mới. Nếu đã quen với phong cách Apple Watch thông thường, có lẽ sẽ không mấy người thích cách thiết kế của Ultra.
Điểm chắc chắn sẽ khiến người dùng cân nhắc là mức giá. Với giá khởi điểm ở Việt Nam khoảng 21 triệu, Watch Ultra đắt hơn khoảng 7 triệu mẫu Series 8 có 4G, và đắt hơn khoảng 2 triệu nếu chọn mẫu Series 8 có viền thép.
Với mức giá và thiết kế quá khác biệt, đối tượng khách hàng của Watch Ultra cũng đặc thù hơn, là những người dùng iPhone và rất đầu tư cho thể thao. Với người đã quen dùng Apple Watch, đây sẽ là nâng cấp đáng cân nhắc trên con đường luyện tập bài bản hơn.
Dù vậy, nếu nhìn ra ngoài hệ sinh thái Apple thì Watch Ultra vẫn có nhiều đối thủ chuyên cho thể thao từ những tên tuổi như Garmin Epix 2 hay Fenix 7 Solar. Nếu tính năng thông minh và sự tương thích với iPhone của Watch Ultra là vượt trội, khó có thể phủ nhận các mẫu đồng hồ Garmin vẫn trội hơn về tính năng thể thao hay hoạt động ngoài trời.