Tôi là M.L, sinh năm 1998 và là một người làm Marketing.
Sau 2 năm làm việc liên tục không kể ngày lễ hay cuối tuần, tôi nhận ra mình cần một khoảng nghỉ thực sự để cân bằng cuộc sống và trau dồi kiến thức chuyên môn.
Vì thế, ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, tôi đã gửi mail xin nghỉ và chính thức rời văn phòng vào đầu tháng 11/2021.
Để trang trải sinh hoạt phí sau khi mất thu nhập chính, tôi đã chuẩn bị một “quỹ nghỉ việc”, cụ thể là 12 triệu đồng cho các nhu cầu thiết yếu trong 4 tháng nghỉ ngơi; 15 triệu đồng cho khoản dự phòng rủi ro, bất trắc.
Nghỉ việc cần có kế hoạch
Ý định nghỉ việc xuất hiện vào khoảng tháng 5/2021, sau một thời gian dài tôi luôn trong trạng thái căng thẳng với deadline và có những triệu chứng kiệt sức.
Thực ra, tôi đã xin nghỉ ngay lúc đó nhưng người quản lý không chấp nhận. Là người hướng dẫn tôi từ những ngày đầu, anh cho rằng tôi đang quyết định mà chưa cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhờ buổi trò chuyện với sếp, tôi hiểu mình đã khá vội vàng. Dừng làm fulltime, tôi sẽ sống như thế nào?
Vậy là tôi tiếp tục công việc của mình. Song song đó, tôi bắt đầu gạch đầu dòng mục tiêu, bao gồm:
- Tôi muốn dừng đi làm trong bao lâu?
- Mỗi tháng, tôi cần bao nhiêu tiền cho nhu cầu thiết yếu?
- Tôi có bao nhiêu tiền để ứng phó khi có bệnh hay biến cố bất ngờ?
- Tôi sẽ làm gì trong thời gian tự do?
Với 4 câu hỏi, tôi dần hình dung ra cuộc sống của mình khi nghỉ việc.
Ví dụ, tôi thường chi khoảng 3 triệu đồng/tháng cho ăn uống. Về quê, tôi không tốn tiền thuê nhà hay điện, nước.
Tôi dự định sẽ tạm nghỉ trong 4 tháng và tìm việc mới sau Tết 2022. Như vậy, tôi cần khoảng 12 triệu đồng để duy trì sinh hoạt.
Ngoài ra, tôi ước lượng mình cần 15 triệu đồng (tương đương với một tháng lương) cho quỹ dự phòng khẩn cấp. Tôi còn trẻ, có lẽ sẽ không có nhiều vấn đề xảy ra trong vài tháng.
Tổng số tiền tôi sẽ phải chuẩn bị cho 4 tháng ở nhà là 27 triệu đồng.
Đó là con số tối thiểu mà tôi phải đạt được, tất nhiên chưa kể đến tiền mua sắm và các chi phí xem phim online, cà phê, ăn ở hàng quán,...
Chi phí sinh hoạt: Tích lũy và thắt chặt chi tiêu
Tôi không giỏi quản lý tiền, cũng không phải là tuýp người chi li tính toán. Với tôi, cách dễ nhất để không xài đến khoản tiết kiệm là bỏ nó vào một tài khoản ngân hàng khác với tài khoản tôi thường dùng.
Tổng thu nhập tháng của tôi dao động từ 15 triệu đồng đến 18 triệu đồng, tùy số lượng dự án và bonus.
Để có 12 triệu đồng khi nghỉ việc, tháng 6-10/2021, mỗi đầu tháng, tôi lại chuyển cố định 3 triệu đồng vào nơi giữ tiền.
Việc “tạm mất” khoản trên buộc tôi phải thắt lưng buộc bụng, tiêu xài dè sẻn hơn. Do đó, tôi dần tập phân biệt:
- Khoản mình thực sự cần tiêu: Ăn uống cơ bản, mua dụng cụ làm việc hay sách, đăng ký khóa học kỹ năng, mua kem chống nắng,...
- Khoản mình muốn tiêu, nhưng không có cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống: Đặt cà phê bên ngoài, sắm quần áo, nước hoa, mỹ phẩm,...
Trong những tháng work from home, hầu như tôi chỉ chi tiền cho khoản thiết yếu, tính toán kỹ khi đầu tư cho bản thân và hạn chế những khoản theo sở thích, trừ phi tôi có kế hoạch tưởng thưởng mình từ đầu.
Tôi xóa hết các ứng dụng ăn uống và sàn thương mại điện tử trong điện thoại, bỏ theo dõi những shop quần áo trên mạng xã hội; đồng thời, tôi lập một bảng theo dõi thu chi đơn giản ra Excel.
Quỹ dự phòng: Tìm thu nhập phụ
Với mục tiêu 15 triệu đồng cho quỹ dự phòng khẩn cấp, tôi nhận làm freelance để có thêm thu nhập. 100% tiền freelance được tôi giữ trong quỹ này và hoàn toàn không đụng đến.
Trước đây, thi thoảng tôi vẫn làm 1-2 việc freelance khi có dịp. Nhưng vì bận rộn, tôi hầu như chỉ nhận theo dự án ngắn hạn.
Khi dự tính nghỉ công việc chính, tôi liên hệ với bạn bè và đối tác cũ để đề xuất cộng tác sâu hơn. May mắn là mọi thứ suôn sẻ, tôi nhanh chóng có đủ số tiền mình cần, thậm chí dư dả cho mua sắm cuối năm.
Tôi muốn nghỉ ngơi để làm mới bản thân nhưng không muốn xa ngành, xa nghề quá lâu. Đây là lý do trở thành một freelancer có thể là lựa chọn phù hợp với tôi ở thời điểm này. Nó cũng cho tôi một nguồn thu nhỏ để bổ sung đều đặn vào quỹ dự phòng.
Hiện tại, tôi đã nghỉ việc ở công ty cũ và cảm thấy vui với quyết định của mình. Sếp tôi cũng ủng hộ và giới thiệu tôi một số việc làm thêm.
Mỗi sáng, tôi thức dậy lúc 5h mà không cần báo thức. Tôi có thời gian luyện giao tiếp tiếng Anh, học khóa học về Digital Marketing và chăm sóc gia đình nhiều hơn.
Dịch bệnh khiến tôi hiểu mình và hiểu tính chất công việc của mình hơn. Tôi biết trong mùa dịch, không ít người cũng mong muốn nghỉ việc để sắp xếp lại ưu tiên trong cuộc sống. Điều tôi muốn chia sẻ là không có công thức chung cho việc cân đối tiền bạc, cũng không ai có thể quyết định thay bạn thời điểm nào nghỉ việc là hợp lý.
Quản lý tài chính nên là chuyện được cá nhân hóa. Và chỉ cần bạn có suy nghĩ trước sau, cam kết với kế hoạch và mục tiêu của mình, bạn đã sẵn sàng cho giai đoạn chuyển tiếp.