Mỗi ngày, chị Hồng Ngọc, 24 tuổi, phải di chuyển 15 km từ nhà đến công ty. Chị sống ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, nhưng làm công việc văn phòng tại quận Cầu Giấy.
Khi giá xăng tăng cao, chị quyết định chuyển sang đi làm bằng xe buýt. "Tôi sẽ mất nhiều thời gian di chuyển hơn. Nhưng nếu vẫn đi xe máy, một tháng lương của tôi chẳng dành ra được bao nhiêu", chị Ngọc kể.
Lạm phát tăng cao khiến những người như chị Ngọc phải cân đối lại chi tiêu mỗi tháng. Vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần 2 năm.
Nguyên nhân chính là giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá thế giới. Trong khi đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cũng đi lên cùng với giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.
Giá xăng dầu tăng gần 52%
Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng lần lượt 0,69% và 3,37% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 7/2020.
Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,62% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 1/6, 13/6 và 21/6. Trong tháng, giá xăng tăng 8,23%, trong khi giá dầu diesel tăng 8,5%.
Giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 4,98% so với tháng trước, nương theo đà tăng của giá nhiên liệu. Riêng giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng tới 13,38%.
Giá ôtô, xe máy mới cũng tăng lần lượt 0,62% và 0,86% do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn. Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Trong nửa đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt. Giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít.
Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, khiến CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.
Giá xăng dầu tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân chính kéo chi phí đầu vào của doanh nghiệp đi lên. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên - nhiên - vật liệu dùng cho sản xuất ghi nhận mức tăng mạnh 6,04% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 4,75% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,83%, trong khi chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,38%.
Áp lực lớn lên doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu đã tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Mới đây, tại một hội nghị về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng để bình ổn giá cả thị trường nội địa, giá xăng dầu đóng vai trò quan trọng.
Nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó có khả năng giảm thuế, phí xăng dầu thì từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, ông thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao.
Giá xăng dầu đi lên cũng tác động đến những nhóm hàng hóa, dịch vụ khác. Chẳng hạn, trong tháng 6, giá đồ uống và thuốc lá tăng 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.
Sau nhóm giao thông, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch là yếu tố lớn thứ 2 đóng góp vào lạm phát. Trong tháng 6, chỉ số giá của nhóm này tăng 3,4% do giá tour du lịch, khách sạn và nhà hàng đi lên khi nhu cầu trong nước phục hồi trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine càng đẩy giá nguyên, nhiên liệu tăng cao. Lạm phát tại nhiều nước như Mỹ và Anh đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022.
Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đi lên. Cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới, điều này đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu lên cao. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nhận định mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm còn khá lớn và căng thẳng.
Nguyên nhân là diễn biến giá cả trên thế giới do xung đột và gián đoạn chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao.