Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chưa nhận thấy các ngân hàng trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng cắt giảm cho vay tới mức đủ để khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
“Chúng tôi chưa nhận thấy sự giảm tốc mạnh mẽ của hoạt động cho vay. Có một chút giảm, nhưng chưa tới mức độ đủ để dẫn tới việc Fed xoay chiều chính sách tiền tệ”, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Trong một báo cáo về tình hình hệ thống ngân hàng đưa ra hồi tháng 5, Fed cảnh báo rằng các nhà băng đang lo ngại về điều kiện tín dụng trong thời gian tới, khi cuộc khủng hoảng trong các ngân hàng khu vực ở Mỹ dẫn tới việc các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đối với cả hộ gia đình và doanh nghiệp.
Giới chức Fed cũng cho biết ngân hàng trung ương này dự kiến những khó khăn đó sẽ kéo dài sang năm tới do dự báo tăng trưởng kinh tế bị cắt giảm và mối lo về dòng chảy tiền gửi khỏi các ngân hàng, cũng như việc các ngân hàng muốn cắt giảm rủi ro.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở trong một môi trường có độ bấp bênh cao bất thường. Bởi vậy, hãy để ý đến các xu hướng và hãy linh hoạt, tức là hãy điều chỉnh nếu các xu hướng có sự thay đổi”, bà Georgieva nói.
Nhận định của người đứng đầu IMF về sự giảm tốc của hoạt động cho vay được đưa ra sau khi chuyên gia kinh tế trưởng của IMF là ông Pierre-Oliver Gourinchas hồi tháng 4 nói rằng các ngân hàng giờ đang ở vào một tình thế “nguy hiểm hơn nhiều”, và điều này đặt ra rủi ro đối với mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,8% mà IMF đưa ra cho năm nay.
Trong hơn 1 năm qua, nhiều ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát. Trong khi đó, khối nợ của thế giới đã tăng lên mức gần kỷ lục 305 nghìn tỷ USD - theo số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Một báo cáo hồi tháng 5 của IIF nói mức nợ cao này và lãi suất cao đã dẫn tới mối lo về tình trạng đòn bẩy nợ trong hệ thống tài chính.
Theo bà Georgieva, cùng với hoạt động cho vay chưa giảm tới mức đủ để Fed xoay trục, báo cáo việc làm tháng 5 vững vàng mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước có thể đồng nghĩa với việc Fed còn tăng lãi suất lên mức cao hơn.
“Sức ép tăng lãi suất đến từ thu nhập tăng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức rất, rất thấp có nghĩa là Fed sẽ phải duy trì định hướng chính sách tiền tệ hiện nay. Và theo quan điểm của chúng tôi, có thể họ cần phải tăng lãi suất thêm chút nữa”, bà Georgieva nói.
Bà Georgieva dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vượt mức 4%, có thể tăng lên tới 4,5%, do việc Fed tăng lãi suất. Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên mức 3,7%, cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 339.000 công việc mới, vượt xa mức tăng 190.000 công việc mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Báo cáo này đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp thị trường việc làm của Mỹ tăng trưởng dương.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức 3,7%, từ mức thấp nhất 53 năm là 3,4% ghi nhận trong tháng 4. Nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng là số người tham gia lực lượng lao động tăng lên khi có nhiều người tìm kiếm việc làm hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng mang đến cho nhà đầu tư những tia hy vọng rằng Fed có thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào trung tuần tháng 6. Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 70% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 13-14/6.
Dù vậy, giới đầu tư và các chuyên gia phân tích không loại trừ khả năng Fed có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất khác vào mùa hè này.
Ông Michael Boutros, chiến lược gia kỹ thuật cao cấp của Forex.com nói với trang Kitco News: “Triển vọng của Fed là lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, ngay cả khi Fed bỏ qua việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, thì Fed vẫn có thể tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trong một cuộc họp nào đó sau đó”, ông nói.