“Tôi mới ký thành luật một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng để ngăn kịch bản vỡ nợ lần đầu tiên - trong khi vẫn giảm thâm hụt ngân sách, bảo vệ chương trình an sinh xã hội, Medicare và Medicaid, cũng như hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với các cựu chiến binh”, ông Biden viết trên Twitter.
“Giờ đây, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng nền kinh tế hùng cường nhất thế giới”, ông chủ Nhà Trắng bổ sung.
Theo thỏa thuận - vốn đã được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước đó - nước Mỹ sẽ tạm thời đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025. Do đó, nguy cơ vỡ nợ sẽ tạm thời được xóa bỏ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Để thỏa thuận được phe Cộng hòa chấp thuận, phe Dân chủ đã phải chấp nhận hạn chế các khoản chi tiêu phi quốc phòng, gia tăng điều kiện với một số chương trình trợ cấp, cũng như bãi bỏ một số khoản chi hỗ trợ liên quan đến đại dịch Covid-19.
Sau khi hai đảng lớn tại Mỹ công bố thỏa thuận hồi cuối tháng 5, các chính trị gia Mỹ đã phải hành động nhanh chóng để “luật hóa” thỏa thuận trước ngày 5/6 - thời hạn mà nước Mỹ có thể vỡ nợ, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Tuy vậy, thỏa thuận vẫn vấp phải sự phản đối từ một bộ phận trong cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Dan Bishop tuyên bố sẽ yêu cầu Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về việc bãi nhiệm ông Kevin McCarthy khỏi ghế chủ tịch Hạ viện. Theo ông Bishop, thỏa thuận đã nhượng bộ quá nhiều cho phe Dân chủ.
Trong khi đó, bà Pramila Jayapal, người đứng đầu nhóm nghị sĩ cấp tiến trong Hạ viện Mỹ, cho biết đa số thành viên trong nhóm này không ủng hộ việc các chương trình chi tiêu của chính phủ bị cắt giảm ngân sách, theo Bloomberg.