Chuyến thăm của ông Widodo kéo dài 3 ngày, bao gồm cuộc gặp thường niên với Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Indonesia và Australia đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại còn nhiều dư địa phát triển giữa 2 nước.
Australia là quê hương của một nửa lượng lithium của thế giới - thành phần chính trong pin EV dùng cho xe điện. Trong khi đó, Indonesia đang nuôi tham vọng trở thành trung tâm pin xe điện của thế giới, theo Nikkei Asia.
Hồi tháng 2, Phòng Thương mại Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ với bang Tây Australia để thúc đẩy mối quan hệ đối tác. Bang giàu tài nguyên này cho biết lithium sẽ sớm vượt qua nhiên liệu hóa thạch để trở thành nguồn thu lớn thứ 2 của bang.
Đôi bên cùng có lợi
Hiện tại, hầu hết lượng lithium của Australia được bán cho Trung Quốc, thị trường xe điện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, chính phủ Australia đang rất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản.
Về phía Indonesia, trong nỗ lực trở thành thị trường pin EV lớn nhất thế giới, nước này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến “ông lớn” Telsa của Mỹ và nhiều công ty Trung Quốc khác cũng đã đầu tư vào các trung tâm sản xuất.
Indonesia là nước sản xuất niken nhiều nhất thế giới, một thành phần quan trọng khác của pin EV. Tuy nhiên, nước này lại thiếu lithium, thứ mà Australia sở hữu rất nhiều.
Bà Jennifer Mathews, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Australia - Indonesia cho biết: “Chắc chắn có sự đồng tình giữa 2 nước về vấn đề lithium và việc hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược”.
Thúc đẩy quan hệ kinh tế
Chuyến thăm của ông Widodo trùng với dịp kỷ niệm 3 năm hiệp định thương mại tự do giữa Indonesia và Australia được ký kết. Trong năm 2021-2022, thương mại 2 chiều của Australia với Indonesia trị giá 12,2 tỷ USD, giúp Australia thành đối tác thương mại lớn thứ 14 của Indonesia.
Ông Tim Harcourt, nhà kinh tế học tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết hiệp định thương mại là nền tảng tốt cho quan hệ 2 nước, nhưng Australia cần phát huy thế mạnh của mình hơn nữa để thành công thâm nhập thị trường mang tính bảo hộ của Indonesia.
“Nếu Australia đóng vai trò quan trọng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, đó sẽ là hướng đi tốt”, ông Harcourt nói.
Quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Indonesia - Australia đã được cải thiện dưới nhiệm kỳ ông Widodo, bất chấp một số tranh cãi như về xuất khẩu gia súc.
Theo ông Harcourt, căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới đã tạo thời cơ cho Indonesia. Nước này đang dần thoát khỏi cái mác "điểm đến đầu tư mạo hiểm".
Còn với Australia, bà Mathews cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là nâng cao nhận thức về những cơ hội mà Indonesia có thể mang lại cho ngành công nghiệp nước này. Cụ thể, tầng lớp trung lưu mở rộng và nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Indonesia có thể là mảnh đất màu mỡ để các công ty Australia làm ăn.
"Điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về sự thay đổi đang diễn ra ở Indonesia, có một cái nhìn cập nhật về đất nước này và những cơ hội mà nó mang lại. Australia cần nhìn thấy và nắm bắt cơ hội có một không 2 này”, bà Mathews cho biết.