Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch không mấy tích cực khi áp lực bán chiếm ưu thế. Lực bán mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khiến VN-Index liên tục giảm điểm để lùi sát mốc 1.060 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch 6-10/2, VN-Index giảm 21,85 điểm (-2,03%), HNX-Index cũng giảm 6,78 điểm (-3,15%). Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng trở lại với thị trường, giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt 11.000 tỷ đồng/phiên.
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng trên 11%.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất là ABR của Công ty Cổ phần Đầu tư Nhãn hiệu Việt. Theo đó, 2 phiên tăng giá và 3 phiên tăng kịch trần đã kéo phiếu ABR cán mốc 14.000 đồng, tương đương tăng 31% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Tính chung trong 1 tháng gần đây, cổ phiếu này đã bứt phá gần gấp đôi. Dù vậy, thanh khoản ABR khá mỏng, chỉ dao động từ vài nghìn cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.
Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thuỷ sản khi đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua. ANV của CTCP Nam Việt cũng có mức tăng ấn tượng 16%. Những mã cổ phiếu thuỷ sản khác cũng đồng loạt bứt phá với CMX tăng 12%, ACL tăng 11%.
Chất xúc tác giúp cổ phiếu thuỷ sản đồng loạt "dậy sóng" được cho là đến từ kỳ vọng đón nhận đơn hàng lớn từ các thị trường Trung Quốc và Mỹ. Với thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ của Trung Quốc, ngành thủy sản nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2023.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 10%. Trong đó, nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ cũng bị bán mạnh trong tuần này với những cái tên quen thuộc như DXG, PDR, CRE, HPX…
Bên cạnh đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động cũng giao dịch ảm đạm khi cả tuần chìm trong sắc đỏ. Kết tuần, MWG giảm từ 47.800 đồng xuống 42.100 đồng, tương đương mức giảm 12%.
Đà giảm của cổ phiếu không quá bất ngờ khi hoạt động kinh doanh MWG liên tục gặp khó. Riêng quý 4 khi lợi nhuận của MWG giảm mạnh 60,4% so với cùng kỳ xuống còn 619 tỷ đồng, mức thấp trong nhiều năm. Tính chung cả năm 2022, lãi ròng đạt 4.102 tỷ đồng giảm 16% so với năm 2021 là 4.901 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng trên 12%, song hầu hết là những mã ít giao dịch, tên tuổi không quá nổi bật.
VSA của Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam cũng có chuỗi tăng ấn tượng để cán mốc 24.900 đồng/cp, tương đương tăng 19% chỉ sau 1 tuần.
Đáng chú ý là KLF của CTCP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS - cổ phiếu thuộc "họ" FLC với mức tăng 13%. Sau thời gian "tắt" giao dịch, KLF bất ngờ tăng hết biên độ vào ngày 10/2 với hơn 1,5 triệu cổ phiếu được "sang tay".
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều mã cũng ghi nhận mức giảm từ 12% - 24% trên HNX.
Trên UPCOM, biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 30%-101% trong tuần qua.
Trong đó, VNZ của CTCP VNG vẫn là cái tên "làm mưa làm gió" trên thị trường với đà tăng phi mã. Sau loạt phiên tăng kịch trần đều đặn mỗi ngày 15%, VNZ hiện đã cán mốc 893.400 đồng/cp. Đây cũng là mức giá đắt đỏ nhất trong lịch sử 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu liên tục tăng mạnh kéo vốn hóa của VNG đã đạt mức 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD, gấp gần 4 lần thời điểm chào sàn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến.
Với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, VNZ đã phải làm văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đại diện doanh nghiệp cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư.
Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, VNG khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 19% - 40%.