VN-Index ghi nhận tuần giao dịch giằng co, rung lắc cùng với sự phân hóa với những phiên tăng giảm đan xen. Cụ thể, sau khi đối diện áp lực chốt lời mạnh, chỉ số đã đảo chiều bứt phá trong phiên giao dịch cuối tuần để leo lên mức 1.225 điểm. Thanh khoản cải thiện mạnh với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt ngưỡng 21.000 tỷ đồng/phiên.
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất có mức tăng khá tốt, cao nhất là 40% và thấp nhất là 16%. Tâm điểm thị trường dồn về nhóm cổ phiếu BĐS khi đồng loạt "bốc đầu" với mức tăng vượt trội, trong đó nổi bật nhất là VIC với mức tăng 21%.
Chỉ sau 7 phiên giao dịch, VIC đã tăng gần 22% thị giá qua đó leo lên mức cao nhất trong 8 tháng kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 42.600 tỷ đồng sau một tuần, lên vượt 237.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thanh khoản của VIC cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Trong phiên 4/8, VIC còn khớp lệnh lên đến 21,2 triệu đơn vị, con số cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.
Cổ phiếu MHC cũng là một cái tên đáng chú ý khi ghi nhận 4 phiên liên tiếp tăng kịch trần, kéo thị trường tăng 40% sau một tuần. Như vậy, chỉ sau nửa tháng, cổ phiếu này đã tăng 63%.
Cổ phiếu MHC có diễn biến tích cực sau khi doanh nghiệp này công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023. Được biết, MHC đang đầu tư lớn vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB), CTCP Chứng khoán VIX (mã: VIX), CTCP Tập đoàn Gelex (mã: GEX). Tính đến ngày 30/6/2023, MHC đã dành 512 tỷ để đầu tư chứng khoán, tăng lên gấp đôi so với hồi đầu năm, dự phòng giảm giá chứng khoán 2,6 tỷ.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 7%. Đáng chú ý, áp lực chốt lời tiếp tục xuất hiện tại CTD sau khi "hụt hơi" trước những kỳ vọng về dự án đấu thầu thi công Sân bay Long Thành. Theo đó, liên doanh Hoa Lư do CTD đứng đầu đã không lọt vào danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu gói thầu số 5.10 sân bay Long Thành.
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng từ 19-33%. Những mã tăng điểm chủ yếu là cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao.
Tiêu biểu là HCT và MCF khi tăng lần lượt 44% và 36% chỉ sau một tuần.
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm từ 11% - 18% trên HNX.
Trên UPCOM, biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 34%-95% trong tuần qua.
"Quán quân" tăng giá trên UPCOM tuần này gọi tên tiếp tục gọi tên VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Công ty cổ phần. Sau 5 phiên tăng giá trong đó có 4 phiên tăng trần, VSF đã tăng đến 95% giá trị. Chỉ sau vỏn vẹn 2 tuần, VSF đã leo từ 7.900 đồng lên 28.500 đồng/cp.
Trên thực tế, cổ phiếu ngành gạo nói chung và VSF nói riêng đều đang được hỗ trợ bởi khá nhiều thông tin tích cực từ thị trường gạo xuất khẩu. Điển hình nhất là kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ hưởng lợi lớn khi Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ gạo giá rẻ để bình ổn giá trong nước. Sau Ấn Độ, Nga và UAE cũng đã thông báo tạm ngừng bán gạo ra nước ngoài.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 21% - 40%.