Nội dung chính:
- Năm 2022, Vinhomes tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế dù ghi nhận sự sụt giảm 25,5% so với năm 2021.
- Một năm thăng hoa của giá năng lượng toàn cầu giúp 4 doanh nghiệp hóa chất - phân bón cùng góp mặt trong top 10 doanh nghiệp lãi cao nhất năm 2022.
- Du lịch phục hồi đưa Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam vào top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất năm 2022.
- Hai doanh nghiệp đầu ngành Vinamilk và Hòa Phát đều tụt hạng trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2022.
Doanh nghiệp phân bón - hóa chất lần lượt lọt top
Giá năng lượng neo cao trong năm 2022 tạo động lực tăng trưởng cho PV Gas (HoSE: GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Hai doanh nghiệp này lần lượt “dắt tay nhau” tiến vào top 3 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất năm qua.
Cuối năm 2022, PV Gas ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Giá dầu leo thang tạo động lực tăng trưởng vượt trội cho PV Gas.
Với lợi thế là công ty duy nhất cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt phục vụ cho nhà máy điện, PV Gas hưởng lợi từ sự gián đoạn nguồn cung kéo dài do xung đột Nga - Ukraine.
Dầu diesel, xăng RON95 và RON92 là ba sản phẩm chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Giá xăng dầu bán ra đạt đỉnh vào quý II/2022 đã giúp doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục. Bắt đầu từ quý III/2022, giá dầu lao dốc và biến động khó dự báo khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh.
Lũy kế năm 2022, lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ, đạt 14,4 nghìn tỷ đồng.
Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) và Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) lần đầu góp mặt trong top 10 lợi nhuận sau thuế nhờ giá sản phẩm đầu ra là hóa chất và phân bón tăng cao.
Theo Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nhờ tăng sản lượng và hưởng lợi giá bán mà doanh thu phốt pho vàng tăng 112%, axit photphoric trích ly tăng 62%. Lũy kế năm 2022, Hóa chất Đức Giang lãi sau thuế 6.040 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2021.
Trong khi đó, Đạm Phú Mỹ tận dụng thời điểm giá cao để xuất khẩu ure, nâng sản lượng xuất khẩu năm 2022 lên 192 tấn, gấp 3 lần năm 2021 và vượt 280% so với kế hoạch đề ra.
Năm 2022, giá bán trung bình các sản phẩm chủ lực của Đạm Phú Mỹ là Urea và NH3 tiếp tục tăng lần lượt 46% và 70% so với năm trước, cao hơn mức tăng nguyên liệu khí đầu vào (24%). Nhờ giá bán thuận lợi, đặc biệt là giá xuất khẩu, công ty ghi nhận lãi hơn 5.600 tỷ đồng sau thuế, tăng 77% so với năm 2021.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo ngành phân bón năm 2023 từ bi quan, trung bình đến lạc quan tùy theo mức độ nhu cầu tiêu thụ. Nhưng ở cả 3 kịch bản, giá phân bón rất ít khả năng giảm xuống mức thấp hơn trong năm nay.
Du lịch phục hồi, hàng không tăng trưởng
Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất top 10, tăng xấp xỉ 803% so với năm 2021.
Du lịch mở cửa, lượng hành khách trong nước và quốc tế phục hồi mạnh mẽ đã giúp ACV có một kinh doanh khởi sắc. Lũy kế năm 2022, ACV lãi hơn 7.100 tỷ đồng sau thuế, gấp 9 lần năm 2021 nhưng vẫn chưa bằng mức trước dịch (năm 2019 ACV lãi sau thuế hơn 8.200 tỷ đồng).
Chính thức mở cửa du lịch từ giữa tháng 3/2022, khách quốc tế đến Việt Nam năm qua đạt 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021 nhưng mới chỉ bằng 1/5 lượng khách quốc tế ghi nhận trong năm 2019.
Doanh nghiệp đầu ngành đồng loạt giảm lợi nhuận
3 doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận năm 2021 là Vinhomes, Hòa Phát (HoSE: HPG) và Vinamilk (HoSE: VNM) đều giảm sâu lợi nhuận trong năm nay nhưng chỉ Vinhomes tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu.
Dù lợi nhuận sụt giảm 25,5% so với năm 2021, Vinhomes (HoSE: VHM) vẫn giữ vững ngôi vị quán quân về lợi nhuận năm 2022 với khoản lãi 29 nghìn tỷ đồng sau thuế, hoàn thành 97% kế hoạch đề ra.
Năm 2022, Vinhomes bán được gần 31 nghìn căn hộ, giảm 21% so với cùng kỳ, trong đó 68% là giao dịch bán sỉ và 32% là bán lẻ.
Cuối năm 2022, giá trị hợp đồng đặt trước của Vinhomes đạt 107,6 nghìn tỷ đồng. Vinhomes cho biết 70% giá trị hợp đồng bán trước có thể được ghi nhận vào doanh thu trong năm 2023 vì các hợp đồng này chủ yếu là căn hộ thấp tầng.
Vinhomes có kế hoạch khởi động 3 đại dự án khác (Vũ Yên, Cổ Loa và Golden Avenue) trong năm 2023, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các dự án này đang trong các bước cuối cùng để nhận phê duyệt mở bán. Lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm nhẹ nhưng có thể tăng nếu doanh thu bán trước được cải thiện.
Với Vinamilk, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi sức tiêu thụ yếu hơn dự báo khiến lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty giảm hơn 19% so với năm liền trước, còn gần 8.600 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán VNDirect, Vinamilk vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc kênh bán trong năm 2022 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số nửa đầu năm 2023.VNDirect nhận thấy Vinamilk chưa có những sản phẩm đột phá mới để tạo động lực tăng trưởng doanh thu.
Tương tự như Vinamilk, Hòa Phát cũng bị đẩy từ ngôi á quân xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng sau nửa cuối năm 2022 kinh doanh thua lỗ.
Nhờ kết quả khởi sắc nửa đầu năm với lợi nhuận hơn 12.000 tỷ đồng, Hòa Phát khép lại năm kinh doanh kém may mắn bằng khoản lãi sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2021.
2022 là một năm khó khăn đối với ngành thép khi nhu cầu thép trong nước và thế giới giảm, giá nguyên liệu sản xuất diễn biến phức tạp trong khi giá thép có xu hướng đi xuống. Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.