Xếp hạng Cạnh tranh Thế giới năm 2023, do Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) công bố, đánh giá 64 nền kinh tế trên toàn cầu dựa trên hơn 300 chỉ số theo 4 hạng mục, gồm hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động của chính phủ, hiệu quả hoạt động kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Các chỉ số này được thống kê từ nhiều dữ liệu cứng, đóng góp 2/3 vào xếp hạng cuối cùng. Còn kết quả khảo sát chiếm 1/3 còn lại.
Xếp hạng đánh giá phần lớn các nền kinh tế ở châu Âu, Bắc Mỹ; bỏ qua nhiều nền kinh tế ở Nam Mỹ, châu Á và hầu hết nền kinh tế ở châu Phi (chỉ có 2 đại diện). Cũng như những năm trước, châu Âu thống trị danh sách các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với 5 đại diện, bao gồm 3 vị trí dẫn đầu: Đan Mạch, Ireland và Thụy Sỹ.
“Bên cạnh quy mô nền kinh tế nhỏ, các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới còn sở hữu nền thể chế mạnh và hiệu quả. Khả năng tạo ra sự thịnh vượng cho người dân của một quốc gia là yếu tố quyết định. Trung Quốc không làm được điều này và thậm chí Mỹ cũng không làm được đầy đủ”, giáo sư Arturo Bris, Giáo sư tài chính kiêm giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Thế giới (WCC) của IMD, nhận xét.
Đan Mạch có hai năm liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu, còn Ireland tăng từ vị trí thứ 11 của năm ngoái lên vị trí thứ 2. Trong khi đó, Thụy Sỹ bị đẩy xuống vị trí thứ ba, tụt hạng so với năm 2022 và 2021. Cả ba đều là các nền kinh tế nhỏ tận dụng tốt khả năng tiếp cận thị trường cũng như các đối tác thương mại, tương tự như Singapore (vị trí thứ 4 trong xếp hạng năm 2023).
“Ngày càng nhiều quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình. Chúng ta đang chứng kiến kẻ thắng-người thua trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo và thế giới ngày càng bị chia rẽ giữa các nền kinh tế theo chủ nghĩa bảo hộ và các nền kinh tế mở”, giáo sư Bris nhận định.
Ông Christos Cabolis, nhà kinh tế trưởng của WCC, cho rằng việc điều hướng trong môi trường khó đoán định ngày nay cần sự nhanh nhẹn và khả năng thích ứng tốt.
“Nhiều quốc gia đang làm tốt trong việc xây dựng nền kinh tế kiên cường, như Ireland, Iceland và Bahrain. Chính phủ của các nước này cũng có khả năng điều chỉnh chính sách dựa trên các điều kiện kinh tế một cách kịp thời. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar và Singapore cũng là những ví dụ điển hình về điều này”, ông Cabolis nói.
Trở lại với xếp hạng, kết quả năm 2023 cho thấy các nền kinh tế mở cửa muộn sau đại dịch Covid-19 đang bắt đầu cải thiện khả năng cạnh tranh (như Thái Lan, Indonesia và Malaysia). Trong khi đó, những nước mở cửa sớm lại đang chứng kiến sự suy giảm về khả năng cạnh tranh (như Thụy Điển và Phần Lan).
Dù châu Á cũng có 3 đại diện trong top 10 nhưng các nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không có mặt. 3 đại diện của châu Á trong top 10 gồm Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.
Trong 10 nền kinh tế dẫn đầu, Singapore tụt một bậc xuống vị trí thứ 3, còn Hà Lan tăng một bậc lên thứ 4. Đài Loan cũng tăng một bậc, trong khi Hồng Kông tụt hạng. Mỹ tăng hạng lên vị trí thứ 9. Kuwait là nền kinh tế mới nhất gia nhập xếp hạng này.
Xếp hạng cạnh tranh thế giới các năm từ 2019-2023