Hai phiên đầu tuần, thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh khiến cho khối tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán cũng vơi đi đáng kể.
Tính chung từ đầu năm, tổng giá trị cổ phiếu do 20 người giàu nhất sàn chứng khoán nắm giữ đã giảm 162.500 tỷ đồng (gần 7 tỷ USD) so với cuối năm 2021 xuống còn 487.700 tỷ đồng, tương ứng giảm 25%, sâu hơn một chút so với mức giảm 23% của VN-Index.
4 người giảm trên 10.000 tỷ đồng
Thống kê từ đầu năm cho đến thời điểm 27/9/2022, 6 tỷ phú đô la trong danh sách của Forbes mất tổng cộng 127 nghìn tỷ (tương đương 5,4 tỷ USD)
Người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng mất 75 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 36% tổng tài sản xuống gần 135.000 tỷ đồng. Năm 2021, người đứng đầu Vingroup vẫn còn sở hữu hơn 210.000 tỷ đồng.
Lần đầu góp mặt trong danh sách tỷ phú năm nay, nhà sáng lập Novaland Bùi Thành Nhơn có tài sản được bảo toàn tốt nhất khi chỉ giảm 7% xuống 67.300 tỷ đồng. Khối tài sản của ông Nhơn bao gồm cả phần sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Novagroup.
Biến động giá cổ phiếu Vingroup và Hòa Phát trong 1 năm
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cũng có mức giảm rất sâu lên đến 37% do triển vọng kém khả quan sau thời gian dài bùng nổ lợi nhuận.
Năm 2021, ông Trần Đình Long sở hữu 54,1 nghìn tỷ đồng nhưng đến ngày 27/9 chỉ còn 34 nghìn tỷ đồng.
Có trong tay 44.844 tỷ đồng năm ngoái, đến nay tỷ phú Hồ Hùng Anh cũng chỉ còn 33,7 nghìn tỷ đồng, mất 25% tài sản, xuống vị trí thứ 5.
Tương tự, cùng sở hữu cổ phiếu MSN và TCB, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng bị hạ xếp hạng xuống 1 bậc, mất 10,8 nghìn tỷ. Hiện ông còn nắm 33,4 nghìn tỷ đồng.
Là gương mặt nữ duy nhất trong danh sách tỷ phú, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 16% trước diễn biến nóng của thị trường. Bà đang nắm 23,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,2 nghìn tỷ so với năm ngoái.
Tỷ phú Trần Bá Dương chỉ góp mặt trên sàn chứng khoán với lượng nhỏ cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) trị giá hơn 330 tỷ đồng.
Chủ tịch Sunshine Đỗ Anh Tuấn với khối tài sản trị giá 35.300 tỷ đang ở vị trí thứ 3. Ông Tuấn hiện là người duy nhất nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá trên 1 tỷ USD mà không có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Vào cuối năm 2021 thì ngoài ông Tuấn, chủ tịch Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt và Phó chủ tịch LPB Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) cũng đã từng chứng kiến khối tài sản của mình đạt trên 1 tỷ USD.
Với việc bán đi toàn bộ số cổ phiếu Thaiholdings, bầu Thụy hiện chỉ còn sở hữu số cổ phiếu LPB trị giá 600 tỷ đồng còn tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt giảm 8.000 tỷ xuống còn hơn 20.000 tỷ đồng.
Giảm mạnh nhất trong Top20 là chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng, khi mất 42% so với đầu năm.
Những người ngược dòng thăng hạng
Bên cạnh nhóm thiệt hại tài sản và vuột mất thứ hạng cũ trên sàn chứng khoán, cũng có một số gương mặt giữ được phong độ ổn định và thăng hạng do cổ phiếu đang nắm giữ không có nhiều biến động đáng kể.
Chủ tịch Thế giới di động, ông Nguyễn Đức Tài từ vị trí thứ 13 năm 2021 tiến sâu vào top 10, đứng ở vị trí thứ 9 với 12.600 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2%. Một thành viên sáng lập hệ thống này là ông Trần Lê Quân cũng cầm chắc 7,9 nghìn tỷ như cuối năm ngoái.
Bứt tốc từ top 40 để lọt vào top 20 trên bảng xếp hạng là bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch Vĩnh Hoàn), ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT).
Tăng 27% từ 5.000 tỷ lên 6.300 tỷ đồng, chủ tịch Vĩnh Hoàn là người có tăng sản tăng mạnh nhất trong Top20.
Nhìn chung, với nhiều nhà đầu tư, mức độ thiệt hại tài sản như trên có thể được xem là tương đối đáng kể. Song trên thực tế, hầu hết người đứng đầu những doanh nghiệp ở phạm vi trong và ngoài nước, đặc biệt là các gương mặt giàu nhất TTCK rất hiếm khi thống kê tài sản hay giao dịch cổ phiếu mỗi khi thị trường xuất hiện các đợt chao đảo.
Mục đích chính của người làm chủ doanh nghiệp vẫn là xây dựng và đảm bảo các kế hoạch kinh doanh của công ty, do vậy, việc giá cổ phiếu đang sở hữu tăng hay giảm đối với họ gần như không phải là tác động quá lớn.