Năng lượng tái tạo (NLTT) trở thành chủ đề "hot" thời gian gần đây khi mà càng ngày thời hạn giảm phát thải CO2 theo cam kết của các quốc gia đang càng được rút ngắn lại dần.
Việt Nam với lợi thế là bờ biển dài trên 3.200km trải dài khắp đất nước và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m nên tiềm năng về điện gió là rất lớn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây.
Theo thống kê của Global Economy, Việt Nam nằm trong TOP 20 các nước về công suất điện NLTT trên thế giới
Đóng góp trong sự tăng trưởng thần tốc của mảng NLTT của Việt Nam những năm gần đây không thể không nhắc tới vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Theo tổng hợp của công ty chứng khoán VNDirect, 10 doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo theo công suất lớn nhất hiện nay tại Việt Nam bao gồm:
Nhìn vào sản lượng điện gió trên đồ thị, có thể thấy 3 cái tên đang dẫn đầu trong sản xuất điện gió lần lượt là Trung Nam Group (TNG); Công ty cổ phần cơ điện lạnh - REE; và TTC Group.
Trung Nam Group
Đây là cái tên đang được nhắc đến nhiều trong những ngày qua. Bắt đầu từ xây dựng hạ tầng, thủy điện, Trung Nam đã tiến quân mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo những năm gần đây và hiện đang sở hữu 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 698,15 MW, bó khá xa 2 cái tên đứng sau là REE và TTC
Trong đó, dự án điện gió Ea Nam tại Đaklak của Trung Nam xếp thứ 5. Đây cũng là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á trên một lần thi công triển khai hiện nay, theo thông tin từ Trung Nam.
TTC Group
Bắt kịp xu thế chuyển đổi nguồn năng lượng tái tạo, TTC đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời thông qua việc góp vốn vào công ty năng lượng.
Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (viết tắt GEC, mã CK: GEG) có 17,8% vốn góp của TTC; 7,18% của Thành Thành Công Biên Hòa; và 3,83% của cá nhân ông Đặng Văn Thành
Cơ chế giá FiT cho điện gió hết hạn sau ngày 31/10/2021 khiến cho GEC cũng như nhiều doanh nghiệp khác chạy đua để kịp đưa 3 nhà máy điện gió tổng công suất 130 MW vào vận hành thương mại COD trước thời hạn này.
*FiT là cụm từ viết tắt của Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ. Đây là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống.
3 Nhà máy Điện Gió đầu tiên với tổng công suất 130 MW được GEG đưa vào vận hành thương mại theo đúng kế hoạch để hưởng giá ưu đãi FiT1 áp dụng cho các dự án Điện Gió trên bờ 8,5 cents/kWh và ngoài khơi 9,8 cents/kWh trong 20 năm.
GEC cho biết, ba Dự án này mỗi năm dự kiến đóng góp khoảng 416 triệu kWh sản lượng điện, tương đương 889 tỷ đồng doanh thu, chiếm 42% tổng doanh thu. Con số này nhiều hơn 2,2 lần so với Thủy điện và tương đương điện mặt trời của Công ty.
Ba dự án điện gió giúp giảm phát thải CO2 hàng năm khoảng 360.057 tấn, đưa tổng giảm thải toàn bộ danh mục năng lượng tái tạo GEC đang vận hành lên con số gần 800.000 tấn/năm.
Nhà máy Điện Gió trên bờ la Bang 1 (IAB1) 50 MW, phân bố trên tổng diện tích 477 ha, được hưởng giá bán điện 8,5 cents/kWh ~ 1.955 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.955 tỷ đồng với 12 Turbine gió.
Nhà máy Điện Gió gần bờ Tân Phú Đông 2 (TPĐ2) 50 MW được hưởng giá bán điện 9,8 cents/kWh ~2.254 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Đây là Dự án Điện Gió đầu tiên và duy nhất của Tỉnh Tiền Giang, có sức gió lên đến 6,7 m/s - phù hợp phát triển điện gió ngoài khơi.
Tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng, được tài trợ tín dụng bởi Ngân hàng Vietcombank. Dự kiến hàng năm, Dự án cung cấp 161 triệu kWh sản lượng điện cho khoảng 25.000 hộ gia đình; đóng góp Doanh thu xấp xỉ 363 tỷ đồng và giảm phát thải gần 140.000 tấn CO2.
Nhà máy Điện Gió gần bờ V.P.L 1 (VPL1) được tiến hành đo gió từ tháng 5/2019, nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn địa điểm và tiến hành lắp đặt tại Khu vực biển Bình Đại, Bến Tre, nơi có sức gió 6,8 m/s. VPL1 dự kiến đóng góp 92 triệu kWh sản lượng điện mang lại khoảng 207 tỷ đồng doanh thu và giảm phát thải gần 80.000 tấn CO2 hàng năm.
Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2
Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE)
REElà doanh nghiệp đã niêm yết hoạt động mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ba dự án của REE được COD và phát điện thương mại vào những ngày cuối cùng của tháng 10/2021 gồm: Nhà máy điện gió Trà Vinh số 3; Nhà máy điện gió Phú Lạc 2, Nhà máy điện gió Lợi Hải 2.
Sản lượng điện theo thiết kế của 3 nhà máy lần lượt là 158 triệu kWh/năm; 70 triệu kWh/năm; 100 triệu kWh/năm. Mức giá cho nhà máy điện gió Trà Vinh là 9,8 cents/kWh và cho 2 nhà máy điện gió còn lại là 8,5cents/kWh.
(*) Ngày vận hành thương mại (tiếng Anh: Commercial Operation Date, viết tắt: COD) là ngày mà nhà máy điện nhận được Chứng nhận thử nghiệm cuối cùng và đã vượt qua các thử nghiệm vận hành thành công.