Tại một Hội thảo về nợ xấu gần đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. “Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.
Theo VNBA, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu nhưng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ,…
Trước lo ngại nợ xấu mới phát sinh thì bộ đệm dự phòng của các ngân hàng càng được quan tâm hơn hết. Tuy nhiên thống kê cho thấy, phần lớn các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR - dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu nội bảng) suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2023. Nguyên nhân là nợ xấu gia tăng mạnh với tốc độ nhanh hơn trích lập dự phòng.
Hiện Vietcombank vẫn là ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao nhất với tỷ lệ LLR đạt 321% vào cuối tháng 3/2023. Đây cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi tiếp tục tăng tỷ lệ này trong quý 1 năm nay. Trước đó, giữa năm 2022 Vietcombank từng thiết lập kỷ lục về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 506%, tức cứ 1 đồng nợ xấu thì dự phòng tới 5 đồng. Vietcombank cũng thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, ghi nhận ở mức 0,85%.
Trong khi đó, tỷ lệ LLR của MB và BIDV sụt giảm đáng kể xuống lần lượt 171% và 138%. Hai ngân hàng này từng duy trì được trên mức 200% vào cuối năm 2022, thậm chí như MB từng đạt tới 400% đầu năm 2022 và chỉ đứng sau Vietcombank.
VietinBank cũng không ngoại lệ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng từ 188% sụt giảm xuống 173% trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn nằm trong Top 3 về bộ đệm dự phòng nợ xấu.
Bất ngờ nhất có lẽ là BacABank, một ngân hàng nhỏ nhưng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao thứ 2 trong hệ thống (195%), đồng thời cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (0,56%). Trong nhiều năm gần đây, nhà băng này liên tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, bên cạnh những “tên tuổi” lớn như Vietcombank, MB, ACB, HDBank, Techcombank,…
Một số ngân hàng khác cũng duy trì tỷ lệ LLR trên mức 100% có thể kể đến Techcombank (134), ACB (117%), LPBank (111%), SeABank (105%) và Sacombank (104%).
Trái ngược với BacABank, phần lớn các ngân hàng nhỏ khác hiện nay có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới mức 100%, thậm chí có đến 9 nhà băng dưới mốc 50%.
Chi phí dự phòng rủi ro có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Nợ xấu thấp sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập, thậm chí có thể được hoàn nhập dự phòng khi xử lý xong nợ và đóng góp vào lợi nhuận. Ngược lại, nợ xấu cao sẽ khiếp áp lực trích lập dự phòng kéo dài, từ đó tăng trưởng lợi nhuận bị thu hẹp. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, điển hình nhất là Vietcombank, dù nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp nhưng ngân hàng vẫn luôn tỏ ra thận trọng và tích cực trích lập dự phòng để ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán BSC, mặc dù bộ đệm dự phòng của ngành suy giảm đáng kể trong quý 1 nhưng áp lực trích lập có thể được giảm bớt trong thời gian tới sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 ngày 23/4/2023. Thông tư này cho phép các nhà băng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ đủ điều kiện cơ cấu lại và giãn trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu lại trong 2 năm. Thông tư này khá giống Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành vào cuối quý 1/2020 trong dịch COVID-19. Nhờ đó, BSC kỳ vọng chất lượng tài sản của ngành duy trì ổn định hơn trong các quý sau. Áp lực lên chi phí tín dụng cũng sẽ được giảm bớt trong 2023, và ngành sẽ có thêm thời gian để xử lý nợ và làm dày bộ đệm dự phòng khi các ngân hàng vẫn thực hiện trích lập cho các khoản nợ cơ cấu lại dù không bị chuyển nhóm ngay lập tức.