Nhiều doanh nghiệp khởi động sớm mùa du lịch Tết với hàng loạt tour độc đáo nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Đặc biệt, các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi với du khách đăng ký tour sớm. Theo đó, từ tháng 11, nhiều công ty du lịch như Vietravel, Saigontourist, TSTtourist, Fiditour - Vietluxtour, BenThanh Tourist..., đã đồng loạt tung cả trăm tour, tuyến, lịch trình du xuân.
Tốc độ bán tour chưa tăng cao
Dù nhu cầu được cho là sẽ tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn ghi nhận tốc độ bán tour khá chậm. Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, công ty dự kiến phục vụ hơn 40.000 lượt khách trên toàn quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Dù đã triển khai mở bán tour tết từ khá sớm nhưng đến nay, số khách đặt tour mới đạt hơn 60% kế hoạch. Đại diện công ty cho biết một phần do xu hướng đến sát ngày du khách mới chốt lịch đi chơi tết.
Thay vì chỉ loanh quanh trong nước như dịp Tết 2022, năm nay thị trường tour Tết có sự sôi động vượt trội khi nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức mở cửa hoặc nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19. Nhiều chùm tour nước ngoài hấp dẫn và mới lạ, giá cả cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, tần suất khởi hành liên tục... đã được giới thiệu liên tục tại các hội chợ du lịch để khách hàng dễ dàng chọn lựa. Theo niêm yết của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, giá bán tour nước ngoài Tết 2023 phổ biến từ 15 - 25 triệu đồng/khách cho các tuyến đi Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc...
Tất bật chuẩn bị cho loạt sản phẩm mới hấp dẫn mùa lễ hội cuối năm, song, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing và Công nghệ thông tin thuộc Công ty TST Tourist thừa nhận, số lượng bán tour năm nay vẫn còn cách khá xa so với giai đoạn trước dịch. Mọi người có xu hướng đi du lịch tự túc nhiều hơn là mua tour thông qua các công ty du lịch. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn cũng gây tác động, hạn chế nhu cầu du xuân của nhiều người.
"Giá tour năm nay khá cao, tăng phải tới 25 - 30%, chủ yếu do giá vé máy bay. Các đường bay quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn, số lượng chuyến bay ít trong khi người dân đi tự túc nhiều nên một số chặng và một số dịch vụ khan hiếm, đẩy giá lên cao, nên áp lực giá bán rất lớn", ông Mẫn nói. Hạn chế về đường bay và giá vé máy bay tăng cao cũng là nguyên nhân phía Lữ hành Fiditour nhận diện khi giá tour một số tuyến nước ngoài nhích lên khoảng 5 - 7%. Bên cạnh đó, do áp lực giá USD tăng mạnh nên nhiều dịch vụ cung ứng cho các đường tour sử dụng đồng USD cũng bị đẩy lên.
Theo đại diện các công ty, du khách năm nay sẽ có xu hướng chọn những điểm đến gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, liên tuyến Singapore - Malaysia…; hay đến vùng Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan nhiều khả năng sẽ là những sản phẩm chủ lực do đây là các thị trường được du khách Việt Nam đặc biệt yêu thích, duy trì được sức hút trong thời gian qua hơn nữa đường bay, thời gian bay đều không quá dài.
Nỗ lực giữ giá tour ổn định
Với thị trường tour nội địa, du khách có xu hướng chọn loại hình tour thiết kế riêng cho nhóm khách và đặt các dịch vụ cao cấp từ 4 - 5 sao cho nhóm khách gia đình từ 5 - 10 khách. Các địa điểm được lựa chọn vẫn là Phú Quốc, Đà Nẵng - Huế, Hà Giang, Côn Đảo, TP.HCM... Tuy nhiên, các công ty lữ hành cho biết giá tour Tết nội địa năm nay cũng tăng khoảng 10 - 15% do nhiều yếu tố khách quan như giá xăng, giá vé máy bay, số lượng các chuyến bay còn hạn chế khiến giá vé tăng quá cao...
"Tết năm 2022 vừa qua là đợt Tết thứ ba kể từ khi xảy ra dịch Covid-19. Chính vì thế, hành vi và thói quen du lịch của khách hàng đã thay đổi khá nhiều. Trước dịch, du khách thường đi du lịch vào các dịp Lễ, Tết. Sau dịch, du khách có xu hướng du lịch dàn trải đều trong năm và chú trọng các yếu tố trải nghiệm hơn", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nhận xét.
Tương tự, bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc công ty Du lịch Việt cho biết: "Năm nay, doanh số bán tour khá chậm. Hàng năm, tầm này chúng tôi đã chốt rất nhiều tour rồi. Còn năm nay, tôi thấy tín hiệu chưa tốt lắm".
Theo nhận định của nhiều đơn vị lữ hành, xu hướng du lịch của du khách hiện nay hình thành 2 nhóm. Thứ nhất, đối với giới trẻ rành công nghệ, họ sẽ chọn hướng du lịch tự túc bằng cách mua các combo du lịch bao gồm phòng, vé máy bay, xe đưa đón và tự do khám phá theo sở thích.
Thứ hai, khách vẫn đi tour trọn gói nhưng theo nhóm bạn, nhóm gia đình và sẵn sàng chi trả mức phí cao hơn để có sự thoải mái, riêng tư và trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Vì thế các sản phẩm du lịch đòi hỏi phải độc đáo và cá nhân hóa cao. Vì thế, hầu hết các tour du lịch hiện nay đều được các đơn vị lữ hành bổ sung các điểm đến mới, các chương trình du lịch, trải nghiệm khác biệt, có thêm các dịch vụ tặng kèm…
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, vẫn cần thêm thời gian để phục hồi thị trường tour Tết như thời điểm trước dịch. Chẳng hạn, các tuyến Đông Bắc Á như Hong Kong và Trung Quốc vẫn chưa được khai thác lại, tuyến châu Âu và Mỹ cũng chưa đa dạng vì một số điểm đến còn hạn chế, đường bay chưa nhiều. Mặt khác, hiện nay tình hình ngoại tệ biến động cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch.
Thời điểm bán tour thường được các doanh nghiệp căn cứ theo giá USD niêm yết tại ngân hàng. Một khi giá USD tăng cao, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì phải thực hiện thanh toán quốc tế theo tỷ giá hiện hành. Thậm chí nhiều tour đang lãi chuyển thành lỗ. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đang hết sức cố gắng giữ giá tour ổn định với hy vọng giai đoạn Tết Nguyên đán 2023 sẽ mang đến cho ngành du lịch thêm cơ hội để phục hồi và phát triển đột phá hơn.