Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, thiếu hụt mưa nên nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy tạm ngừng sản xuất trong giai đoạn 15/8 - 20/8 nhằm đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt hàng ngày.
Cơ sở sản xuất chính của Hon Hai Precision Industry (được biết đến nhiều hơn với tên gọi Foxconn) đặt tại thành phố Thành Đô là nơi lắp ráp iPad và Apple Watch. Theo Reuters, Foxconn từ chối bình luận về tình trạng hoạt động của họ tại đây, nhưng một nguồn tin giấu tên cho biết cuộc khủng hoảng điện tác động "không lớn" tới việc sản xuất.
Ngoài Foxconn, BOE Technology Group cũng đang chịu ảnh hưởng của tình trạng cắt điện kéo dài. Đây là doanh nghiệp sản xuất tấm nền LCD, OLED lớn nhất Trung Quốc và là đối tác của Apple cùng nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước.
Việc các nhà máy của BOE buộc phải dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dây chuyền sản xuất smartphone và máy tính cá nhân.
Toyota Motor cũng có một nhà máy ở Thành Đô chuyên sản xuất sedan và nhiều mẫu xe khác thông qua liên doanh với một công ty Trung Quốc. Hãng cho biết đã nhận được chỉ thị tạm ngừng hoạt động cho đến cuối tuần, việc này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến doanh số các mẫu xe của công ty tại nước này.
Hiện Toyota cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip dẫn đến việc chậm trễ giao hàng cho nhiều mẫu xe. Không chỉ riêng Toyota, các nhà máy ôtô nội địa khác cũng đang phải tạm dừng hoạt động.
Một số quản lý người Nhật cho biết việc này có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của họ.
Không chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên, lịch cắt điện này cũng được áp dụng lên cả thành phố Trùng Khánh, tỉnh Chiết Giang và Giang Tô làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc.
Theo thông báo, 19/21 thành phố của tỉnh, bao gồm cả các khu tự trị và khoảng 16.500 công ty đang hoạt động trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng bởi lịch cắt điện luân phiên.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn như Intel của Mỹ, CATL của Trung Quốc cũng đang chịu chung sự ảnh hưởng.
Việc cắt điện được thực hiện do nhiệt độ thời tiết tại Trung Quốc tăng cao và thiếu hụt lượng mưa.
Một quan chức của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cho biết, nhiệt độ ở tỉnh này đã đạt mức kỷ lục cao nhất trong 60 năm qua, nhiều ngày vượt trên 40 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Tứ Xuyên là tỉnh chủ yếu dựa vào thủy điện, nhưng lượng mưa trong tháng 7 chỉ bằng một nửa so với trung bình hàng tháng khiến sản lượng điện bị giảm.
Kế hoạch cắt điện do đợt nắng nóng đang được tiến hành trên khắp Trung Quốc. Một số khu vực của Trùng Khánh đã ra thông báo yêu cầu các nhà máy đóng cửa hoàn toàn hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian cao điểm.
Theo báo chí địa phương, các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy, nơi tập trung các nhà máy, cũng đã bắt đầu hạn chế hoạt động do tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng gây ra. Trong nhiều trường hợp, chúng được yêu cầu tắt vào ban ngày, khi mức tiêu thụ điện quá tải.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về tình hình này. Việc các nhà máy ngừng sản xuất với quy mô lớn sẽ khiến nền kinh tế, vốn đã bị cản trở bởi chính sách Zero Covid, tiếp tục suy giảm.