Đóng góp thêm những ý kiến cho Tp Hồ Chí Minh về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển trong lĩnh vực công nghiệp tại Tp Hồ Chí Minh trong thời gian qua? Những điểm được và chưa được trong lĩnh vực này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và Tp Hồ Chí Minh nói riêng phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao. Dù vậy, giá trị do doanh nghiệp trong nước tạo ra vẫn thấp. Do đó, nếu không có giải pháp đột phá, sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa.
Minh chứng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam nói chung và của Tp Hồ Chí Minh nói riêng vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do vậy, cần lấy việc phát triển các doanh nghiệp nội làm trọng tâm.
Câu hỏi đặt ra là cần thay đổi thế nào? Theo tôi, trước hết cần thay đổi tư duy về cách thức phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không Việt Nam hay Tp Hồ Chí Minh sẽ có nguy cơ trở thành công xưởng chuyên lắp ráp, gia công của thế giới.
Cụ thể, công nghiệp của chúng ta chủ yếu là khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, không dựa trên đổi mới sáng tạo nên năng suất thấp. Kết quả, sản phẩm phần lớn là gia công, lắp ráp, nguyên phụ liệu thì nhập khẩu. Nếu không thay đổi hướng phát triển thì dù Việt Nam, hay Tp Hồ Chí Minh có trở thành công xưởng của thế giới nhưng giá trị gia tăng lại cực thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI áp đảo doanh nghiệp trong nước về giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu. Để làm được điều này chúng ta cần hình thành các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng và động lực cho những công ty nhỏ và vừa tham gia các thị trường ngách của ngành như chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đô thị thông minh, làng thông minh,...
Nhắm vào thị trường ngách với giá trị gia tăng cao khi đẩy mạnh công nghiệp hóa. Cụ thể, công nghiệp hóa trong nông nghiệp; hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện có nhưng không dàn trải mà phải trọng tâm, phát triển công nghiệp kỹ thuật số, phát triển dịch vụ mới hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh mới và giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, công nghiệp 4.0, phát triển sản xuất gắn với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động, tái cấu trúc chuỗi giá trị để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài...
Chính sách công nghiệp mới phải gắn liền với hoạt động xúc tiến, tạo thuận lợi đầu tư, đồng thời có các cơ chế sàng lọc đầu tư nhằm tạo động lực thu hút đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước và của thành phố.
Hiện nay Tp Hồ Chí Minh có 2 chỉ số là: Đổi mới sáng tạo và công nghệ thấp so với các quốc gia khác. Do vậy, cần phải hành động để thay đổi 2 chỉ số này.
Giải pháp là xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo công nghệ, vững mạnh, sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế, đưa các sản phẩm công nghiệp dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tp Hồ Chí Minh phải tạo nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật đầu tư phát triển các ngành công nghiệp then chốt với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghệ; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch…
Còn đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ thì sao thưa ông? Những điểm được, chưa được và đâu là giải pháp để Tp Hồ Chí Minh thực sự phát triển trong lĩnh vực này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Ngành thương mại dịch vụ Tp Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng khai thác. Ðể tận dụng hết tiềm năng này, cần có những giải pháp tổng hợp nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường hàng hóa gắn với hội nhập quốc tế.
Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới nhờ có các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn trên thế giới. Các FTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường và gia tăng thu hút đầu tư FDI. Độ mở nền kinh tế lớn giúp cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam nói chung và Tp Hồ Chí Minh nói riêng sẽ tạo ra áp lực cho các chủ thể bán lẻ, vốn bị hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ,...
Để giải bài toán này, theo tôi cần thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh chóng, sớm hình thành những tập đoàn thương mại tầm cỡ trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Bên cạnh đó, thúc đẩy Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vùng miền. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư hệ thống logistics để phục vụ cho cơ sở hạ tầng bán lẻ cho thành phố.
Tp Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm phân phối tập trung của vùng. Để bảo đảm liên kết địa phương, liên kết vùng, cần có góc nhìn bao quát hơn về sứ mệnh của vùng, không phải theo góc độ đơn lẻ từng tỉnh. Để phát triển liên kết dọc trong chuỗi cung ứng, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành (Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ...), sự tham gia của các hiệp hội và các doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp phải là chất xúc tác, chủ động kết nối.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp; tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!