Được xếp vào siêu đô thị với 13 triệu dân, TP.HCM đứng trước nhiều thách thức giải quyết quá tải từ hạ tầng đô thị.
Trong bối cảnh này, TP.HCM cũng đã nghiên cứu 2 đề án phát triển hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với hạn chế giao thông cá nhân.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đây là điều mà các thành phố lớn trên thế giới đều hướng tới.
TP.HCM thiếu hụt 50% vốn đầu tư hạ tầng
Tại Hội thảo Phát triển theo định hướng TOD và quan hệ đối tác công tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn, chuyên gia Shige Sakaki (World Bank) định nghĩa TOD là chiến lược quy hoạch nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố mà đi bộ, đạp xe là giao thông chính.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220 km cùng 3 tuyến Tramway, Monorail.
Ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho hay TP.HCM đang tiến hành và kêu gọi xúc tiến các tuyến metro tiếp theo. Tuy nhiên, nguồn lực cần cho giao thông công cộng là rất lớn. "Để hoàn thành cả 8 tuyến metro, ước tính TP.HCM cần 15 tỷ USD, tuy nhiên thành phố chỉ giải quyết được 15% trong số này", ông Lâm thông tin.
Giám đốc Sở GTVT cho biết TP.HCM đang trình Trung ương xin 2 cơ chế chủ động điều chỉnh quy hoạch và cho địa phương được lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất, đề xuất luôn trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Về việc khai thác quỹ đất lân cận nhà ga, công trình giao thông dọc theo tuyến, TP.HCM cũng xin được mở rộng ranh, thu hồi thêm đất để tạo nguồn lực.
Tương tự, ông Bùi Xuân Nguyện, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội xác định tổng vốn đầu tư là 2,87 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu đầu tư lên đến 3,9 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2022-2025, TP.HCM cần 243.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, riêng vốn dành cho metro cần 103.000 tỷ đồng, chiếm 43%. Thế nhưng vốn ngân sách cho các dự án của TP.HCM được duyệt hàng năm chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng. "Như vậy, TP.HCM thiếu hụt trên 50% nguồn vốn dành cho hạ tầng trong những năm tiếp theo", ông Nguyện tính toán.
Bài học TOD từ các đô thị lớn
Theo chuyên gia, việc áp dụng quy hoạch TOD ở các khu đô thị trọng tâm, tận dụng hành lang quan trọng giúp sẽ giúp TP.HCM tăng số lượng người dân đi lại bằng phương tiện công cộng; tận dụng tốt hơn một số nguồn thu.
Mặt khác, chuyên gia nhận định TOD còn giúp thành phố có hệ thống giao thông bền vững hơn, ngăn ngừa tình trạng phát triển đô thị tràn lan như ở một số thành phố lớn thời gian qua.
Song việc thiếu vốn đặt ra cho TP.HCM bài toán làm thế nào để kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án tiếp theo gắn với mô hình TOD.
Ông Benedict - Trưởng đại diện Ban vận tải, Đông Á, Thái Bình Dương (World Bank) khẳng định Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM trong các dự án quan trọng.
Theo ông, quá trình phát triển TOD và phương thức đầu tư PPP được triển khai ở nhiều mạng lưới đường sắt tại một số quốc gia trên thế giới rất thành công.
"Hình thức đầu tư này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng nguồn tài chính cho Nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân", ông Benedict nói.
Để làm được, vị chuyên gia cho rằng TP.HCM cần một chính sách TOD lớn cho toàn thành phố; đồng thời có kế hoạch TOD cho hành lang giao thông công cộng và cuối cùng là đánh giá mức độ sẵn sàng về phát triển TOD.