Giải ngân đầu tư công tại TP.HCM mới đạt 26% tổng kế hoạch vốn được giao, tính đến cuối tháng 7/2022.
Bố trí vốn nghìn tỷ, giải ngân 0 đồng
Tại Phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2022, vào sáng 04/8/2022, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết đến cuối tháng 7, tổng số vốn đầu tư công mà thành phố đã giải ngân trên 8.467 tỷ đồng, đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao (khoảng 31.943 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 2.479 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 29.464 tỷ đồng).
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân TP.HCM, cho biết có 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng không (0). Các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, với 12 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 10%.
“Các dự án được Hội đồng nhân dân 16 quận thông qua trước tháng 6/2021 đều ách tắc. Trong khi đó, đây đều là dự án quy mô không lớn nhưng sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân”, ông Hiếu nói.
Trong lĩnh vực giao thông, các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, cấp thoát nước, cải thiện môi trường đều chậm. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, lý do là khâu vướng lớn nhất là giải phóng mặt bằng vẫn chưa có chuyển biến, dù vốn đã được bố trí.
Đối với các dự án PPP phải tạm dừng sau các kết luận thanh tra, kiểm toán, ông Lâm cho rằng cần tập trung tháo gỡ, nói rõ với nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng quy trình để giải quyết những dự án cũ cũng như xúc tiến đầu tư các dự án mới.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết giải ngân chậm “rơi” vào các dự án có bố trí vốn lớn, trên 200 tỷ đồng.
Thậm chí có những dự án giải ngân bằng không (0). Chẳng hạn, việc xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng thành phố được bố trí 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào, dù bệnh viện đã được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 3 năm nay.
Các dự án cũng chưa giải ngân được đồng nào như: công trình xây dựng trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố trị giá 350 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên-Bình Chánh trị giá 277 tỷ đồng; BV Đa khoa Phạm Ngọc Thạch...
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết giải ngân chậm “rơi” vào các dự án có bố trí vốn lớn, trên 200 tỷ đồng - Ảnh: BC.
Những dự án “khá” hơn cũng chỉ giải ngân nhỏ giọt, như: dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, mới giải ngân được 43 tỷ đồng, (đạt 2,1%); các công trình như hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, được bố trí vốn 200 tỷ đồng, mới giải ngân được 9,3 tỷ đồng (đạt 4,6%); dự án nút giao An Phú bố trí 375 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân 15 tỉ đồng (đạt 4%)…
Cho rằng Kho bạc TP.HCM cũng sốt sắng để thanh toán cho các đơn vị, theo ông Nguyễn Hoàng Hải hằng tháng, hằng quý, kho bạc đều có văn bản gửi các chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý ban đầu, gửi hồ sơ nghiệm thu thanh toán từng lần… nhưng các văn bản gửi đi thì nhiều, hồ sơ gửi về kho bạc rất ít.
Ách tắc ở khâu thẩm định giá
Trước đây, hai nguyên nhân được nhìn nhận khi chậm giải ngân vốn đầu tư công là do chậm trễ trong công tác thẩm định giá và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở, cho biết.
Có thể khẳng định đến nay, Sở đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá mà quận, huyện chuyển về. Bảy tháng đầu năm 2022, thành phố thông qua được 52 dự án thẩm định giá bồi thường và không còn hồ sơ tồn đọng.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, cho rằng ách tắc ở cấp quận, huyện trong thẩm định giá - Ảnh:BC.
"Vậy chậm trễ ở khâu nào? Qua rà soát, Sở nhận thấy nổi lên ách tắc ở cấp quận, huyện. Thậm chí, Sở phải tự rà soát các dự án đầu tư công ở quận, huyện để lập danh mục, chuyển về quận, huyện và nhắc nhở khẩn trương chuyển hồ sơ thẩm định giá để Sở trình Hội đồng nhân dân thành phố", ông Bảy nói và cho biết thêm rằng việc chậm trễ có nhiều lý do. Đó là việc hoàn thiện pháp lý dự án chậm; quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chất lượng thẩm định giá không đồng đều và việc thuê rất khó do các đơn vị này rất ngại tham gia thẩm định giá các dự án bồi thường, do thù lao không nhiều mà trách nhiệm rất lớn...
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện nay một số địa phương nhầm giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc gặp khó khăn, gây kéo dài.
Để tập trung quyết liệt mọi giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tham mưu và cùng với các sở, ngành chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công 2023, kế hoạch ngân sách cho năm 2023.
"Thành phố đã thành lập tổ giải phóng mặt bằng để gỡ vướng cho việc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công. Sau buổi làm việc này, UBND thành phố tiếp tục họp để rà soát các dự án. Cách đây 3 tháng, mỗi tháng đều có giao ban về các dự án đầu tư công nhưng chưa có kết quả rõ rệt", ông Mãi bày tỏ.