Dự án mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ ngã 5 Bình Hoà tới Phan Chu Trinh vừa được HĐND TP.HCM đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đường Chu Văn An đã thông qua chủ trương đầu tư từ trước, tuy nhiên, do chi phí giải phóng mặt bằng tăng, vượt tổng mức đầu tư theo chủ trương đầu tư ban đầu. Vì vậy, thành phố cần trình HĐND TP.HCM điều chỉnh chủ trương đầu tư và thời gian thực hiện dự án.
Theo đó, dự án tổng vốn 1.067 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn từ nay tới năm 2026. Với mức đầu tư trên, đây là dự án có kinh phí cao tốp đầu trong các công trình nâng cấp đường ở thành phố.
Lý giải mức vốn cao như trên, UBND quận Bình Thạnh cho biết do dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn. Trong tổng vốn thực hiện, chi phí đền bù dự toán chiếm gần 982 tỷ đồng (khoảng 92%). Cụ thể, có 176 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng diện tích thu hồi gần 11.000 m2.
Theo UBND Quận Bình Thạnh, công trình nằm ở khu vực đô thị phát triển, mức giá cũng được tính sát thị trường, thay đổi nhiều so với trước nên tổng kinh phí thực hiện cao.
Đường Chu Văn An dài gần 2 km, là một trong những tuyến giao thông chính ở quận Bình Thạnh, kết nối nhiều đường lớn như Đinh Bộ Lĩnh, Phan Chu Trinh, Nơ Trang Long, Phan Văn Trị... Trong đó, đoạn từ ngã 5 Bình Hoà tới đường Phan Chu Trinh đang bị "thắt cổ chai" gây ùn tắc thường xuyên, ảnh hưởng đi lại của người dân cũng như việc hoạt động kinh doanh hai bên.
Cách đây 7 năm, thành phố đã duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường trên với tổng chiều dài 900 m, mở rộng lên 25 m. Khi đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 677 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng gần 500 tỷ đồng. Sau nhiều năm chưa triển khai, dự án được điều chỉnh với quy mô và phạm vi mở rộng nhằm đồng bộ hạ tầng xung quanh. Tuy nhiên, vốn đầu tư tăng lên vì giá đất đã cao hơn nhiều so với trước.
Trước đó vào tháng 9, HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Võ Nguyên Giáp, dài 3,5 km, tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng. Đây cũng là dự án giao thông chi phí đầu tư đắt đỏ bậc nhất thành phố khi trung bình một km cần hơn 2.600 tỷ đồng để hoàn thành. Công trình này có vốn đầu tư cao cũng do phần lớn phục vụ bồi thường, với tổng chi phí khoảng 6.675 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, kinh phí xây đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, số làn xe, cầu cạn, nút giao... Tuy nhiên, đường trong nội đô sẽ tốn kém hơn nhiều so với khu vực nông thôn, đất nông nghiệp.
HDND tỉnh Bình Dương vừa chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với tổng mức đầu tư hơn. 17.400 tỷ đồng.
Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 45,747km, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn Cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Trong đó, vốn nhà nước đảm nhiệm chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 8.770 tỉ đồng. Ngoài ra, huy động từ nhà đầu tư khoảng 8.878 tỉ đồng. Dự án sẽ được triển khai thi công và hoàn thành trong giai đoạn năm 2023-2027.