Kết quả phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM trong thời gian qua mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.
Thủ Đức: Nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội tại dự án
Tại buổi giám sát về triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 tại TP. Thủ Đức mới đây, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trong giai đoạn 2016 đến nay, trên địa bàn TP. Thủ Đức đã hoàn thành đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội, với 5.960 căn hộ; đang thực hiện đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ nhà ở xã hội và 1 dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê với 1.040 căn hộ; đã quy hoạch và đang thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với 22 dự án nhà ở xã hội, 1 nhà lưu trú công nhận và 1 nhà ở chuyên gia.
Một số khó khăn hiện nay là chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở chỉ chú trọng tập trung đầu tư phát triển nhà ở thương mại để kinh doanh, chưa ưu tiên cho việc phát triển nhà ở xã hội tại dự án. Thủ tục pháp lý triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội kéo dài.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Thủ Đức tồn tại một số dự án chưa hoàn tất việc bồi thường 100% diện tích giao đất thực hiện quy hoạch mà chủ yếu bồi thường phần đất ở để kinh doanh, chưa bồi thường diện tích đất nhà ở xã hội... chưa có hình thức chế tài đối với chủ đầu tư của dạng dự án này.
Theo các quy định hiện hành, thẩm quyền xử lý các dự án chậm triển khai thuộc sở, ngành TP.HCM, chưa có quy định về hình thức, biện pháp chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm triển khai.
Chủ đầu tư dự án khó khăn về nguồn vốn đầu tư hoặc không cân đối được giữa giá bán căn hộ hợp lý theo quy định và chi phí, lợi nhuận. Một số dự án chậm triển khai, chưa có giải pháp kết nối đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải, chưa có phương án đầu tư hạ tầng xã hội.
Theo ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM, Thủ Đức đang hoàn thiện 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ, tuy nhiên số người đăng ký mua chưa đến 100. Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư mở rộng nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội để nhiều người tiếp cận được việc mua nhà.
Bình Chánh: 30.000 dân nhập cư tăng hằng năm cần nhà ở
Tại buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh về giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn huyện, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, giai đoạn 2016-2025, huyện Bình Chánh có 21 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 42.442 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, có 12 dự án khoảng 22.816 căn nhà ở xã hội, gồm: nhà ở xã hội độc lập có 9 dự án; nhà lưu trú công nhân 2 dự án; Nhà ở xã hội được sử dụng quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có 1 dự án đã hoàn thành một phần.
Kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020: có 2 dự án hoàn thành và 2 dự án hoàn thành một phần; đưa vào sử dụng 3.222 căn nhà ở xã hội. Trong đó, có 8 dự án được chuyển tiếp hoàn toàn và 2 dự án chuyển tiếp một phần sang giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2025, có 9 dự án mới chưa triển khai. Kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến nghiệm thu đưa vào sử dụng 1.344 căn nhà ở xã hội.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, huyện cần quan tâm giải quyết dự án nhà ở xã hội do Công ty Cổ phần Quốc tế C&T làm chủ đầu tư, Dự án Khu đô thị mới do Công ty TNHH Đầu tư Phương Lâm làm chủ đầu tư, Dự án Nhà ở xã hội do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Gia Phú làm chủ đầu tư, Dự án Khu tái định cư Sing Việt…
Triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội
Đối với TP. Thủ Đức (TP.HCM), Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP. Thủ Đức theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng… đảm bảo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục thuế TP.HCM và các cơ quan có liên quan khẩn trương trong thực hiện hoặc tham mưu đề xuất UBND TP.HCM đối với các nội dung còn vướng mắc, hỗ trợ, tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NOXH trên địa bàn TP. Thủ Đức.
Đối với huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng rà soát lại các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn huyện. Đối với 19 dự án nhà ở xã hội đang triển khai chậm tiến độ, hoặc chưa triển khai, huyện Bình Chánh cần theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng… đảm bảo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND huyện Bình Chánh có bổ sung đánh giá và dự báo cụ thể về khả năng, tỷ lệ hoàn thành, tiến độ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn trong thời gian tới. Từ đó tạo cơ sở và động lực để huyện Bình Chánh phấn đấu đạt được mục tiêu tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 3,4 triệu m2 đến cuối năm 2025 và giải quyết nhu cầu nhà ở cho 30.000 người dân nhập cư tăng hàng năm trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.
Giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn TP.HCM có 91 dự án nhà ở xã hội, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư, quy mô 56.200 căn hộ (có 46/49 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn năm 2016 - 2020). Sở Xây dựng đã có thông báo nghiệm thu hoàn thành công trình đối với 1 dự án.