Vào tháng 8/2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các địa phương báo cáo Thủ tướng thực hiện việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Theo đó, là địa phương tham gia phần vốn lớn nhất trong dự án đường Vành đai 3, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tăng tổng vốn đầu tư công trung hạn thêm 119.410 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án đường Vành đai 3.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP.HCM được cấp có thẩm quyền duyệt là 142.557 tỷ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM dự kiến khả năng cân đối cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 là 261.967 tỷ đồng.
Đối với phần vốn hơn 119.410 tỷ đồng có khả năng huy động thêm, UBND TP đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Quốc hội việc bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP.
Khi được bổ sung vốn đầu tư công trung hạn, TP.HCM đủ để đảm bảo chi cho dự án vành đai 3 TP.HCM trên địa bàn là 19.449 tỷ đồng. Nội dung này cũng đã được HĐND TP thông qua nghị quyết vào tháng 4 - 2022 về thống nhất chủ trương triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM.
UBND TP.HCM dự kiến nguồn thu tăng thêm từ các nguồn: ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, bội chi ngân sách địa phương, cổ phần hóa và nguồn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đủ để đảm bảo chi cho dự án Vành đai 3.
Do đó, UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP.HCM (không bao gồm nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao), để bổ sung cho dự án.
Đường vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương, triển khai đầu tư. Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Trước đó, Theo Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội về đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 31.380 tỷ đồng, và ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn ngân sách địa phương, TP.HCM chiếm nhiều nhất với 19.449 tỷ đồng, sau đó đến Bình Dương (7.808 tỷ đồng), Đồng Nai (1.567 tỷ đồng) và Long An (852 tỷ đồng).
Nghị quyết cũng cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM ban hành chỉ thị số 18 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM. Chỉ thị này được quán triệt, phổ biến đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ TP.
Thành ủy TP.HCM xác định dự án Vành đai 3 TP.HCM có tầm quan trọng đặc biệt, cầu giao Ban cán sự Đảng UBND TP lãnh đạo UBND TP chỉ đạo triển khai kịp thời, nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả nghị quyết 105 của Chính phủ về triển khai nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các dự án thành phần tại TP. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua.