Tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sáng 8/12, Tổ điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương đánh giá thị trường hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
"Ước tính dự trữ hàng hóa tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu. Nhu cầu mua sắm Tết cũng ước tính sẽ tăng khoảng 4-7%", đại diện tổ điều hành cho biết.
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Tại TP.HCM, theo đại diện Sở Công Thương TP, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.
Trong khi đó, tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết thành phố đã chuẩn bị 290.100 tấn gạo; 57.900 tấn thịt lợn, 19.200 tấn thịt gà, 387 triệu quả trứng gia cầm; 322.500 tấn rau củ; 156.000 tấn trái cây... phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Hiện, các kênh phân phối trên cả nước đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đảm bảo cho dịp Tết. Theo bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc Thu mua khu vực phía Bắc, AEON Việt Nam, doanh nghiệp đã lên kế hoạch và phối hợp cùng các nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng cho đợt mua sắm cuối năm và dịp Tết ngay từ giai đoạn tháng 10.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết doanh nghiệp không chỉ cung cấp đa dạng về chủng loại, mẫu mã mà còn mức giá của sản phẩm để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm.
Sản lượng hàng dự kiến tăng từ 15-20% để phục vụ khách hàng mua sắm trong giai đoạn cao điểm từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thực phẩm tươi sống; đồ đông lạnh; bánh hộp, bánh kẹo nhập khẩu...
Về thị trường xăng dầu dịp Tết, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường.
Theo ông, dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Dự báo nhu cầu Tết sẽ tăng nhưng sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết.
"Hiện, không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Có những cửa hàng thời điểm vừa qua bán tăng trưởng đến 70%, đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp", ông Khanh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng thị trường xăng dầu vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7/12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga.
"Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu", ông nói.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh...