Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã nhấn mạnh như vậy tại một hội thảo chuyên đề về quy hoạch ngành giao thông TP.HCM diễn ra mới đây, do Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức.
Tư duy làm "kinh tế giao thông"
Khi phát triển hạ tầng giao thông cần một tư duy về “kinh tế giao thông”. Nghĩa là, cần đặt việc phát triển ấy trong tư duy về “làm kinh tế giao thông”, không đơn thuần là các dự án giao thông.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh về tư duy làm kinh tế này. Nó bao gồm kinh tế về đất đai, về câu chuyện giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, nhà nước để đẩy nhanh các dự án giao thông…
Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, quy hoạch về hạ tầng giao thông của TP.HCM từ năm 2013, tại Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 đã góp phần phát triển giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại sau thời gian thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Những “điểm nghẽn”, “nút thắt” đó không chỉ nhìn ở phạm vi của ngành giao thông mà còn là vấn đề của phát triển kinh tế, xã hội chung của Thành phố. Hơn nữa, không chỉ của TP.HCM mà còn của khu vực, của cả vùng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng, giao thông, khó tránh khỏi những vấn đề khó khăn; trong đó nguồn vốn xây dựng và giải phóng mặt bằng, đề bù giải tỏa là hai vấn đề nhức nhối. Nói theo Chủ tịch Phan Văn Mãi là làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư; có được như vậy các dự án về hạ tầng mới có thể đẩy nhanh được. Khi bắt tay vào làm giao thông, các đơn vị, nhà đầu tư nên suy nghĩ, nghiên cứu làm kinh tế giao thông bởi nhu cầu vốn cho giao thông là rất lớn, không nên chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng phát triển giao thông TP.HCM là phải gắn kết với tất cả các tỉnh lân cận, phải mang tính liên vùng. “Chính phủ đã có các quy hoạch cơ bản phù hợp, nhưng sự kết hợp với các tỉnh lân cận với nhau là trách nhiệm của từng địa phương TP.HCM cùng với các tỉnh trao đổi các dự án, quy hoạch giao thông mang lại hiệu quả nhất”, ông Lâ, nhấn mạnh.
Để làm được điều này cần thiết phải có cơ chế đột phá thực hiện quy hoạch giao thông. Chẳng hạn như các đơn vị, nhà đầu tư nghiên cứu phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang áp dụng phổ biến trên thế giới.
Giao thông phải đi trước mở đường cho phát triển kinh tế
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng lực của cả nước. Do đó, TP.HCM trước hết là trung tâm, động lực của vùng Đông Nam Bộ, - vùng đóng góp cho sự phát triển của GDP 34%, nguồn thu ngân sách 60% cả nước và ngày càng có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị… Là vùng hạt nhân phát triển kinh tế của cả nước, cho nên xác định quy hoạch hạ tầng giao thông TP.HCM và vùng hết sức quan trọng để định hướng.
Đối với quy hoạch tổng thể quốc gia về lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bốn quy hoạch, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đang hoàn chỉnh quy hoạch hàng không. Về cơ bản, giao thông khu vực Đông Nam Bộ vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không ở khu vực là rất lớn. Dự báo đến năm 2050 vào khoảng 150 triệu hành khách, vì vậy nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng mới sân bay Long Thành là nhu cầu cấp thiết.
TP.HCM đang tiến hành rà soát các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực quan trọng là giao thông với quan điểm “Giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, từ đó mở “mũi giao thông” cho sự phát triển của Thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ, dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Một vấn đề khác là giao thông công cộng, đang thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà quản lý vĩ mô, các chuyên gia kinh tế, nhà chuyên môn về giao thông mà còn là vấn đề xã hội của hàng triệu người dân Thành phố.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức đưa ra nhận định, quy hoạch giao thông cần quan tâm đến định hướng phát triển giao thông công cộng sức chở lớn kết nối vào khu đô thị, người dân dễ dàng tiếp cận.
Hiện nay, thế giới giải quyết các vấn đề giao thông bằng đô thị thông minh TOD. Đô thị nén ở vùng ven được xây dựng, đường sắt đô thị liên kết khép kín và văn phòng, trung tâm thương mại được xây dựng dọc hành lang đường sắt đô thị. Từ đó, giao thông công cộng phục vụ sự phát triển của địa phương và cũng là phương tiện liên kết vùng.
(TOD: Transit Oriented Development, là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán – PV).
Đồ án quy hoạch giao thông vùng TP.HCM đã được phê duyệt, thì hệ thống giao thông đường bộ gồm 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 353 km, quy mô từ 6 - 8 làn xe; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên địa bàn Thành phố khoảng 106.7 km, quy mô đường cấp I, II (8 -12 làn xe).
Tuyến vành đai: Có 3 tuyến vành đai với tổng chiều dài khoảng 351 km, đoạn trên địa bàn TP.HCM dài 117,6 km; quy mô đường phố chính đô thị (8 - 10 làn xe) và đường cao tốc (6 - 8 làn); 5 tuyến đường trên cao; tổng chiều dài 70,7 km, quy mô 4 làn xe.
Metro: Có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 172,6 km và 7 depot (Suối Tiên, Tham Lương, Tân Kiên, Hiệp Bình Phước, Thạnh Xuân, Nhà Bè, Đa Phước). Hệ thống xe buýt nhanh với 6 tuyến, chiều dài 95,2 km.
Đến nay đã có 2/6 tuyến cao tốc đã hoàn thành (cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), 01 tuyến cao tốc đang xây dựng là cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.