Sáng 24/8, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP.HCM. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Văn Dũng chủ trì phiên họp. Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố…
Giải ngân đầu tư công, triển khai dự án còn hạn chế
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định rằng trong thời gian qua, công tác đầu tư công luôn được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo tập trung, HĐND Thành phố ban hành nhiều Nghị quyết, UBND Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện với nhiều biện pháp quyết liệt.
Qua đó, ghi nhận công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Các công trình, dự án được Thành phố lựa chọn đầu tư có trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên, tập trung bám sát 7 Chương trình đột phát của Thành phố.
"Thời gian qua, công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế như: (1) Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công; (2) Công tác phối hợp trong giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế; (3) Còn bị động trong công tác huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế..."
Năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND Thành phố thông qua là 35.516,968 tỷ đồng; UBND Thành phố đã giao kế hoạch vốn là 29.464,008 tỷ đồng, đạt 82,95%.
Tuy nhiên, tính đến ngày 12/8/2022, Thành phố mới giải ngân đạt tỷ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố có tiến độ giải ngân chậm.
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, thời gian qua, công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế như: (1) Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công; (2) Công tác phối hợp trong giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế; (3) Còn bị động trong công tác huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế (thông qua hình thức hợp tác công tư) để bổ sung, hỗ trợ cho cho đầu tư công; (4) Các dự án sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) đang triển khai thực hiện đầu tư chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Tại phiên họp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết Ban Kinh tế - Ngân sách đã tổ chức 16 cuộc khảo sát tại 21 đơn vị và 5 dự án. Bên cạnh việc đảm bảo về chủ trương, phù hợp quy định, quy hoạch và kế hoạch phát triển, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng nhận thấy còn một số hạn chế nhất định trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; việc lập, trình phê duyệt kế hoạch đầu tư cũng như triển khai, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong đó có nhiều dự án giải ngân 0 đồng.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM giải trình 8 vấn đề, bao gồm: Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với thực tiễn dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; Kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố được UBND Thành phố giao còn chậm, tác động đến việc triển khai dự án của chủ đầu tư; Công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư một số dự án hoàn thành còn chậm, giải pháp nào cho vấn đề này.
Ngoài ra, giải pháp để hấp thu được 100% vốn từng năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và nâng tỷ lệ giải ngân từng năm đạt trên 95% theo quy định của Luật Đầu tư công trong kế hoạch trung hạn còn lại giai đoạn 2023 - 2025; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn Thành phố; Giải pháp để bổ sung vốn cho các công trình dở dang, khắc phục tình trạng lãng phí; Giải pháp khắc phục tình trạng số cơ sở nhà đất (công) trên địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức chưa được xử lý hoặc sử dụng đúng mục đích.
Cuối cùng, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của người dân và mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án, nhất là giá đất tính bồi thường, hỗ trợ theo quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến phát sinh khiếu nại. Khi giá bồi thường được duyệt thì vướng đơn giá xây dựng không bố trí đủ nên không thể triển khai. Đây là vướng mắc lớn trong thực hiện đầu tư công có đất đai, rất cần quan tâm, tháo gỡ.
Kế hoạch vốn đầu tư công đúng luật, hợp nguyên tắc
Giải trình các nội dung liên quan, tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỷ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của Thành phố.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng 10%), vốn ngân sách Thành phố 150 ngàn tỷ đồng. Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đã giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016 - 2020 là 138.472 tỷ đồng.
"Thành phố đã bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các Nghị định, hướng dẫn có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND TP.HCM thông qua. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực."
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn của Thành phố.
Do đó, UBND TP.HCM xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp của Thành phố để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.
Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách là 302.839,6 tỷ đồng gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 06 dự án nhóm A. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2020, 521 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 – 2015 và 1.278 dự án khởi công mới. Giai đoạn 2021 – 2025 có 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) chuyển tiếp từ giai đoạn trước và UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.
Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, khẳng định: "Thành phố đã bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các Nghị định, hướng dẫn có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND TP.HCM thông qua. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực.
Cụ thể, trên lĩnh vực giao thông, Thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều hạng mục công trình giao thông trọng điểm từng bước đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố. Đồng thời, thực hiện chuẩn bị đầu tư trình Quốc hội, HĐND TP.HCM xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa,...
Về lĩnh vực Y tế, dân số và gia đình, công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đã góp phần lớn việc giảm tải và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; đạt chỉ tiêu 42 giường bệnh/10.000 dân số theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, đến cuối năm 2020 đã đạt 292 phòng học/10.000 dân so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, giai đoạn 2016 - 2020, 71 dự án công trình văn hóa thể thao được bố trí vốn triển khai, trong đó đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình văn hóa thể thao trọng điểm như Dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch, Dự án Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ,… đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho nhân dân.
Công tác chống ngập, thủy lợi, đã giải quyết được 25/36 tuyến đường chính (đạt 69,44%), hoàn thành 179/179 tuyến đường, hẻm ngập do mưa (đạt 100%) so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước các đường chính. Đối với tuyến đường bị ngập triều, đến cuối năm 2020 giải quyết được 09/09 tuyến đường, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.
Về lĩnh vực môi trường, hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày); đang thi công các nhà máy Bình Hưng giai đoạn 2 (nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày), Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất 480.000 m3/ngày) và tuyến cống bao sẽ đáp ứng lượng nước thải qua xử lý là 1.381.900/3.076.000m3/ngày, đạt tỉ lệ 45%.
7 giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư công
Nhất trí với các hạn chế, tồn tại HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra 7 giải pháp chính để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đầu tư công trong thời gian tới.
Thứ nhất, xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH của TP. Tăng cường, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình.
Thứ hai, tổ chức hiệu quả các Hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng; lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ.
Thứ ba, linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, thành phố không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.
Thứ năm, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.
Thứ sáu, chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hàng năm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của TP.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.