UBND TP.HCM vừa có quyết định 28/2022 ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lấy ý kiến người dân có đất thu hồi trên địa bàn Thành phố năm 2022.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 25/8/2022, thay thế Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND.
Theo đó, đối với đất ở, hệ số điều chỉnh giá đất (K) tại TP Thủ Đức và các quận nội thành là 2-15 lần, còn 5 huyện ngoại thành là 8-15 lần bảng giá đất giai đoạn 2020-2024. Các khu vực có hệ số cao nhất gồm huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, TP Thủ Đức.
Đối với đất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất thấp nhất là huyện Cần Giờ (5-10 lần), cao nhất (30 -35 lần) gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11.
UBND TP.HCM cho biết, hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện, tùy điều kiện cụ thể của dự án, UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện rà soát mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường với các dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 01 năm tại địa phương để cân đối với hệ số điều chỉnh (K) đối với đất ở và đất nông nghiệp được quy định tại Quyết định này để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi.
Trường hợp, các địa phương không có dự án được UBNDThành phố phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 01 năm để thực hiện rà soát làm cơ sở xây dựng phương án thì thực hiện thu thập thông tin tại khu vực (quận, huyện) lân cận có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đồng để cân đối với hệ số điều chỉnh (K) đối với đất ở và đất nông nghiệp được quy định tại Quyết định này để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi.
Với hệ số điều chỉnh giá đất năm nay, nhiều người cho rằng sát thực tế hơn các năm trước, qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án – hiện đang là vấn đề vô cùng nan giải. Liên quan đến công tác này, TP.HCM đã từng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh dự án.