Chia sẻ tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 29/2, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm 2023, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Riêng TP.HCM đạt 4,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 37%, cao nhất cả nước.
Theo ông, trong cơ cấu thương mại điện tử, hoạt động về mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng xã hội có sự phát triển mạnh, đơn cử như hình thức livestream bán hàng đáp ứng nhu cầu của cả người tiêu dùng và người bán hàng.
Tuy nhiên, ông Hùng nhìn nhận thị trường thương mại điện tử vẫn còn nhiều vấn đề mang tính thách thức như việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến, mua bán không có hóa đơn...
Để giải quyết các vấn đề này, Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch thương mại điện tử năm 2024 với 27 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chia ra 2 nhóm quan trọng là giải pháp thúc đẩy và giải pháp về quản lý.
Với giải pháp thúc đẩy, ông Hùng cho rằng hoạt động thương mại điện tử đã làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, quan điểm của Sở là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream bán hàng, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ truyền thống là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn.
"Đây là điều kiện rất tốt để thực hiện chuyển đổi số, thay đổi hoạt động bán hàng trong chợ truyền thống", ông Hùng nhấn mạnh.
Sắp tới, Sở Công Thương và Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM sẽ đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho thương nhân, đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, cụ thể là chuỗi hoạt động livestream tại chợ.
Đối với nhóm quản lý, Sở Công Thương TP cũng sẽ nghiên cứu xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử, dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, doanh thu..., từ đó điều hướng, hỗ trợ cho các cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường để thực hiện chức năng quản lý có trọng tâm, trọng điểm.