Tại Phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của TP.HCM chiều 1/11, Sở Tài chính cho biết số thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm ước đạt gần 393.000 tỷ đồng, vượt 1,61% dự toán năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ.
Nổi bật có thuế thu nhập cá nhân tăng hơn 33%, lệ phí trước bạ tăng 77% nhờ hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính của các nhà đầu tư tăng trưởng tốt từ đầu năm, cũng như công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản được tăng cường. Thu tiền sử dụng đất thậm chí tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm ngoái.
Đồng thời, thu từ khu vực kinh tế cũng tăng gần 12% do tăng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
TP.HCM dẫn đầu số doanh nghiệp thành lập mới
Đi sâu vào các lĩnh vực, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết TP đang dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp mới. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã cấp phép thành lập mới cho 37.402 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 405.000 tỷ đồng, tăng 53% về số lượng và tăng 2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, có hơn 75.600 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 488.000 tỷ đồng, tăng gần 5,7%.
Tuy nhiên, xét về số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động, TP.HCM cũng đứng đầu cả nước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của TP.HCM chiều 1/11. Ảnh: TTBC.
Về đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP đã thu hút khoảng 3,42 tỷ USD, tăng hơn 25%.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) lũy kế trong 10 tháng cũng tăng 17,4%, riêng 4 nhóm ngành trọng yếu ước tăng 23%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt gần 900.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13%.
Những vấn đề TP.HCM phải đối diện trong thời gian tới
Nhìn lại một năm TP.HCM mở cửa sau đại dịch, TS Trần Du Lịch đánh giá những gì đã làm được vượt xa kỳ vọng của ông và TP khi xây dựng chương trình phục hồi vào năm ngoái.
Tuy vậy, ông cho rằng TP nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn. Đầu tiên là tác động từ tình hình chung của thế giới khi xu hướng suy thoái tương đối rõ, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất. Sự trì trệ chung của các nền kinh tế cùng với gãy đổ chuỗi cung ứng làm tăng chi phí logistics sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của TP.HCM.
TS Trần Du Lịch cho rằng từ nay đến hết năm 2023 còn nhiều khó khăn cho TP.HCM. Ảnh: TTBC.
Quan trọng hơn, theo TS Trần Du Lịch, là các động thái thắt chặt thị trường tài chính và bất động sản, bởi độ nhạy của TP đối với các chính sách vĩ mô cao hơn các địa phương khác rất nhiều, dù là chính sách có tác động tích cực hay tiêu cực.
"Tôi dự báo nếu dòng vốn của nền kinh tế chậm lại chỉ trong 2 quý thì sẽ không chỉ ảnh hưởng năm 2023 mà cả 2024. Do đó, tôi kiến nghị TP chủ động theo dõi, tìm hướng xử lý tốt nhất và đề xuất với các cấp thẩm quyền để sớm khơi thông dòng vốn giữa thị trường tài chính và bất động sản. Còn cái gì trong phạm vi thẩm quyền của TP có thể làm được thì phải làm tối đa", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng điều cần thiết nhất lúc này là tính toán cho năm 2023, bởi TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang cùng lúc chịu hai sức ép từ tình hình suy thoái toàn cầu và kinh tế trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19.
Trọng tâm trước mắt trong 2 tháng cuối năm là bảo vệ an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại và khôi phục niềm tin của thị trường
TS Trương Minh Huy Vũ
Bên cạnh các vấn đề về tăng lãi suất ở các quốc gia và dự trữ ngoại hối trong nước, TS Vũ đề cập thêm việc xử lý sai phạm tại các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thời gian qua và áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp sắp tới.
Do đó, ông nhìn nhận trọng tâm trước mắt trong 2 tháng cuối năm là bảo vệ an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại và khôi phục niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý, trong đó có việc xử lý các thông tin không chính xác về các doanh nghiệp.
Đồng thời, TS Vũ kiến nghị TP đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng về vấn đề điều hành hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, cán cân thanh toán để tính toán thời điểm và cách thức xử lý sai phạm nếu có với các doanh nghiệp có quy mô lớn và rất lớn nhằm ổn định thị trường tài chính và vĩ mô.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại nhằm phát huy kinh tế TP, đồng thời đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp để đương đầu với các thách thức từ nay đến hết năm sau.