Sáu dự án BOT được đề cập đến trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù).
100.000 tỷ đồng cho 6 dự án BOT
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa cho biết đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố về bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có đề cập đến 6 dự án về hạ tầng giao thông.
Các dự án đó là: Quốc lộ 1 đoạn An Lạc - ranh giới tỉnh Long An; cải tạo - nâng cấp quốc lộ 22 đi Củ Chi và Tây Ninh; quốc lộ 13 đoạn địa phận TP.HCM; kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 TP.HCM; trục đường Bắc – Nam, tức đường Âu Cơ nối Khu công nghiệp Hiệp Phước; tuyến đường động lực, tức đường song song quốc lộ 50 đi các tỉnh Miền Tây.
Đây là 6 dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm cả cầu và hầm) hiện hữu được áp dụng phương thức PPP, hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư cho 6 dự án này khoảng 100.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thứ nhất, dự án Quốc lộ 1 đoạn An Lạc đến ranh giới tỉnh Long An dự kiến đầu tư quy mô rộng 52 m, từ 4 lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến 12.876 tỷ đồng.
Thứ hai, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 với chiều dài 9,1 km, rộng 39,5 m, xây dựng hai cầu vượt trên quốc lộ 22. Tổng mức đầu tư dự kiến: 1.200 tỷ đồng.
Thứ ba, quốc lộ 13 đoạn quận Bình Thạnh đến ranh giới tỉnh Bình Dương, dài 5,8 km với tổng mức đầu tư dự kiến 12.192 tỷ đồng.
Thứ tư, xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài công trình trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư dự án khoảng 13.837 tỷ đồng.
Thứ năm, trục đường Bắc – Nam, tức đường Âu Cơ đi Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) chiều dài 26,8 km với tổng mức đầu tư sơ bộ 54.204 tỷ đồng.
Thứ sáu, tuyến đường động lực (tức đường song song quốc lộ 50), dài 5,8 km, lộ giới theo quy hoạch 40 với quy mô đầu tư chiều rộng mặt đường theo quy hoạch 40 m có tổng mức đầu tư dự kiến 3.816 tỷ đồng.
Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM
Dẫn quy định tại khoản 4 điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật Đầu tư PPP), Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 9 điều 3 của luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng” (Khoản 4 điều 45)…
Quốc lộ 13 đoạn nội thành đi qua quận Bình Thành, TP.HCM: Người và xe "chật cứng như nêm" do khổ đường hiện hữu hẹp, chỉ 19 m so với quy hoạch 40 - 60 m.
Cũng cần nói thêm, điều 3, khoản 9 của Luật đầu tư PPP quy định: “Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động như cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có”.
Như vậy, việc áp dụng hợp đồng BOT chỉ áp dụng tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng công trình hiện hữu.
Tuy vậy, Sở này lập luận rằng, hệ thống đường bộ của TP.HCM, trong đó các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các địa phương lân cận và các tuyến quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM, dù đã được đầu tư và vẫn đang khai thác nhưng quy mô hiện chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới đã được quy hoạch.
Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư và phát triển. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho rằng việc đầu tư 6 dự án này theo hợp đồng BOT không làm thay đổi thủ tục hàng chính theo quy định; nghĩa là chỉ mở rộng đối tượng tham gia dự án theo hợp đồng BOT, đúng quy định theo Luật đầu tư PPP.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng nói rõ phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và thí điểm này chỉ áp dụng trên địa bàn thành phố. Nếu hiệu quả có thể sẽ là mô hình được nhân rộng và làm cơ sở để cập nhật Luật đầu tư PPP.
Trước đó, đầu tháng 12/2022, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54.