Theo Cushman & Wakefield, trong khi phần lớn thị trường lớn nhất tại châu Á Thái Bình Dương (APAC) đang chịu áp lực giá đất tăng đặc biệt cao, chỉ có TP.HCM nằm trong nhóm 10 nơi có giá đất phải chăng nhất để phát triển trung tâm dữ liệu.
Báo cáo ghi nhận giá đất tại TP.HCM hiện chưa đầy 10 USD/sqft (mỗi sqft tương ứng 0,0929 m2). Mức giá này tương đương Johor, Kuala Lumpur và gần bằng nửa Sydney. So với các thị trường phát triển hơn trong APAC như Amsterdam và Melbourne, giá đất ở TP.HCM chỉ bằng 1/3.
Cùng nhóm với TP.HCM có 9 thị trường khác gồm Columbus, Santiago, Johannesburg, Atlanta, Nashville, Phoenix, Austin, Denver và Chicago.
Cùng với tỷ lệ hơn 70% dân số đã sử dụng Internet, đơn vị nghiên cứu này nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về trung tâm dữ liệu trong tương lai.
“Chúng tôi đang ghi nhận sự quan tâm và đầu tư đáng kể ở Bangkok, TP.HCM, Hyderabad, Johor và Manila. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục, cùng với sự quan tâm đến các thị trường sơ cấp và thứ cấp khác trong khu vực", ông Vivek Dahiya, Giám đốc Trung tâm dữ liệu của Cushman & Wakefield tại APAC nói.
Thực tế, đến nay, TP.HCM đã có một số dự án hệ sinh thái trung tâm dữ liệu lớn. Mới nhất, VNG chính thức khai trương VNG Data Center có quy mô 7.800 m2, diện tích sàn sử dụng lên đến 12.400 m2 ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).
Trước đó, khu chế xuất này cũng đã có một trung tâm dữ liệu của CMC Telecom khai trương hồi tháng 8/2022 với tổng diện tích hơn 13.000 m2. Chủ đầu tư cho hay cơ sở đã được lấp đầy 30% trước khi ra mắt.
Còn tại Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức), Gaw Capital đã hoàn tất thương vụ đầu tư giai đoạn đầu vào dự án trung tâm dữ liệu quy mô hơn 6.000 m2, công suất lên đến 20 MW, kế hoạch hoàn thiện năm 2024. NTT GDC và công ty Việt Nam Quang Dũng Technology (QD.Tek) cũng hợp tác phát triển một trung tâm dữ liệu khác dự kiến ra mắt cùng năm, hỗ trợ 6 MW công suất.
Trong lúc này, một công ty trung tâm dữ liệu của Australia, Edge Centres, đã mở rộng sang châu Á thông qua việc triển khai trung tâm dữ liệu đầu tiên có tên EC51 tại TP.HCM, sử dụng 100% năng lượng mặt trời. Tập đoàn cũng có kế hoạch cho một cơ sở bổ sung tại quận 1.
Còn Viettel cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu mới với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD. Mặc dù các chi tiết cụ thể về cơ sở vẫn chưa rõ ràng, nhưng đây sẽ là dự án thứ ba của Viettel tại TP.HCM.
Một thống kê tính đến giữa năm 2021 cho thấy Việt Nam đang có 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng cơ sở hạ tầng dữ liệu và kỹ thuật số của Việt Nam hiện còn phân tán và kém phát triển so với quy mô dân số của thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet.
“Tuy nhiên, hạn chế trên đồng thời lại là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia và xây dựng trung tâm dữ liệu từ sớm. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các nhà phát triển nước ngoài đến với Việt Nam sẽ mong muốn thông qua việc kí kết hợp tác với các nhà phát triển nội địa”, bà nói thêm.
Năm 2021, hãng nghiên cứu và báo cáo ResearchAndMarkets (Ireland) cũng đưa Việt Nam vào danh sách một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi của toàn cầu. Doanh thu thị trường năm 2020 được ước tính đạt khoảng 858 triệu USD và mức tăng trưởng kép hàng năm có thể đạt gần 15% cho đến năm 2026.