Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, có trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ trước năm 2007, trong đó giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nay không thể gia hạn thời gian sử dụng đất vì quy hoạch mục đích sử dụng đã thay đổi.
Trong khi doanh nghiệp không thể tiếp tục sử dụng đất theo mục đích cũ, Nhà nước cũng không thể thu hồi theo pháp luật hiện hành. Còn nếu doanh nghiệp xin chuyển mục đích sử dụng thì sẽ bị thu hồi để bán đấu giá.
Vướng mắc này cũng xảy ra với đất do Nhà nước cho thuê ngắn hạn, trả tiền hàng năm cho đến khi thực hiện quy hoạch. Nhà nước cho dù buộc phải thu hồi đất hay bán đấu giá thì tài sản trên đất vẫn là của nhà đầu tư, do chưa có quy định để xử lý, định giá, bồi hoàn tài sản trên đất của doanh nghiệp nên không đảm bảo điều kiện đấu giá.
"Điều này dẫn tới các khu đất thuộc những diện này không được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, gây lãng phí đất đai, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đây là bất cập lớn do các chủ trương, chính sách, pháp luật chưa được quy định đầy đủ, chưa tính hết các tình huống phát sinh và chưa hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Do đó, ông kiến nghị sớm có hướng dẫn xử lý cho những trường hợp này, theo đó việc chuyển mục đích sử dụng đất chỉ cần thỏa mãn Luật Đất đai hay phải đáp ứng thêm các điều kiện về quản lý tài sản công.
Một băn khoăn khác được lãnh đạo TP.HCM nêu ra trước Thủ tướng là hiện nay còn nhiều dự án ngay giữa trung tâm TP bị tắc nghẽn do có đất công xen cài. Các phần diện tích đất công này rất nhỏ và phân mảnh, do đó nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định thì cần một chủ đầu tư gom nhiều phần mới có thể phát triển dự án đem lại hiệu quả kinh doanh.
Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với những phần diện tích dự kiến tổ chức đấu thầu này.
Mặt khác, TP.HCM cũng có 1.400 cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng phải sắp xếp xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP đang không được sử dụng do chưa có quy định về việc cho thuê tài sản được giao quản lý giữ hộ.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc để trống 1.400 cơ sở nhà, đất này gây thất thoát, lãng phí không nhỏ cho ngân sách với hàng loạt chi phí như thuê bảo vệ, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm...
"TP kiến nghị bổ sung hình thức cho thuê tài sản đối với loại tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý giữ hộ để tránh thất thoát, lãng phí, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp này", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới. Với các kiến nghị lần này của lãnh đạo TP, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các nghị định, quy định hiện hành.
Những nội dung đã có quy định và còn phù hợp với tình hình thực tế, TP tiếp tục thực hiện. Đối với những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, TP phối hợp với các bộ, ngành xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, xử lý vấn đề của TP trong quá trình xử lý các vấn đề chung mà nhiều địa phương đang gặp phải.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết sẽ lập một tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM là đầu mối trao đổi để giải quyết, xử lý các vấn đề của TP một cách kịp thời, hiệu quả.
Ông yêu cầu cần tránh tình trạng "thủ tục, văn bản lên xuống, lòng vòng" mà không giải quyết được công việc. Mô hình này trước hết sẽ được thí điểm với TP, nếu hiệu quả sẽ mở rộng áp dụng.