Ngành công nghiệp nước đóng chai đang phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo mới, hơn một triệu chai nước được bán ra mỗi phút trên khắp thế giới và sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này không có dấu hiệu chậm lại.
Doanh số bán nước đóng chai toàn cầu dự kiến tăng gần gấp đôi vào năm 2030, theo CNN.
Tuy nhiên, thành công này đi kèm với cái giá rất lớn về môi trường, khí hậu và xã hội, theo báo cáo được công bố hôm 16/3 bởi Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hợp Quốc.
Nước ngầm được khai thác để đổ đầy hàng tỷ chai nhựa mỗi năm đặt ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với nguồn nước uống và gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới.
Không chỉ vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp này còn làm lạc hướng sự chú ý và nguồn lực khỏi việc tài trợ cơ sở hạ tầng nước công cộng, vốn rất cần thiết ở nhiều quốc gia, theo báo cáo.
Ngành công nghiệp phát triển nhanh
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 109 quốc gia và nhận thấy rằng ngành công nghiệp nước đóng chai có doanh số bán hàng tăng 73% từ năm 2010 đến năm 2020. Con số này khiến nó trở thành một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Vào năm 2021, doanh số bán nước đóng chai toàn cầu đạt 350 tỷ lít và được định giá khoảng 270 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2030.
Nước đóng chai phổ biến trên toàn thế giới, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Indonesia là những nước tiêu dùng lớn nhất. Các quốc gia ở Nam bán cầu chiếm khoảng 60% thị trường.
Theo báo cáo, có những nguyên nhân khác nhau trong việc uống nước đóng chai, tùy thuộc vào khu vực.
Ở các quốc gia giàu có hơn, nơi nước máy sạch có xu hướng phổ biến, nước đóng chai thường được coi là một thứ gì đó “xa xỉ”, tốt cho sức khỏe và ngon hơn nước máy, báo cáo lưu ý.
Zeineb Bouhlel, tác giả chính của báo cáo và nhà nghiên cứu tại Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hợp Quốc, nói với CNN: “Nhận thức này được thúc đẩy vì các tập đoàn quảng cáo nước đóng chai là sản phẩm tinh khiết”.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đến thấp, nguyên nhân sử dụng nước đóng chai thường liên quan đến việc thiếu khả năng tiếp cận với nước máy an toàn, đáng tin cậy.
Vladimir Smakhtin, đồng tác giả của báo cáo, cho biết sự mở rộng của ngành công nghiệp cùng khả năng lôi kéo sự chú ý khỏi việc mở rộng cơ sở hạ tầng nước công cộng, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trong vấn đề tiếp cận nguồn nước, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Dù vậy, người phát ngôn của Hiệp hội Nước đóng chai quốc tế nói với CNN rằng ngành công nghiệp “hỗ trợ mạnh mẽ các hệ thống nước công cộng - điều quan trọng để cung cấp cho người dân nước uống sạch và an toàn”.
Trên quy mô toàn cầu, “nước đóng chai là chìa khóa để có nước uống an toàn”, người phát ngôn cho biết thêm. “Đối với nhiều quốc gia đang phát triển kinh tế, nước đóng chai đóng vai trò là giải pháp một phần khi không có nước uống an toàn".
Khai thác nước ngầm
Theo báo cáo, hơn 2 tỷ người trên toàn cầu dựa vào nguồn nước ngầm để phục vụ nhu cầu uống nước.
Thế nhưng, nguồn chính của nước đóng chai là nước ngầm, đang cạn kiệt nhanh chóng ở một số nơi trên thế giới do các yếu tố như khai thác quá mức và hạn hán.
Nguồn gây suy giảm nước ngầm lớn nhất là nông nghiệp, ngành sử dụng nước để tưới tiêu. Nhưng khối lượng mà ngành công nghiệp nước đóng chai sử dụng có thể gây thêm áp lực cho nguồn nước vốn đã cạn kiệt.
Một số công ty đang hoạt động ở những khu vực vốn đã thiếu nước uống. Việc này có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa công ty với cộng đồng khu vực, những người lo lắng về tác động tiêu cực tiềm ẩn từ việc khai thác.
Chẳng hạn, Nestlé Waters Bắc Mỹ, hiện được gọi là BlueTriton Brands, đã phải đối mặt với chỉ trích ở California về việc khai thác nước khi tiểu bang gặp phải tình trạng hạn hán kéo dài.
Tại Mỹ, báo cáo cho biết vào năm 2020, Nestlé Waters đã khai thác 3 triệu lít mỗi ngày từ Florida Springs, trong khi ở Pháp, công ty nước Danone khai thác tới 10 triệu lít mỗi ngày từ Evian-les-Bains ở dãy núi Alps.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn của Danone cho biết “chúng tôi là những người tiên phong trong việc bảo tồn và phục hồi nguồn nước”.
“Các số liệu trong báo cáo không chính xác và không phản ánh đúng thực tế ở Evian-les-Bains. Ngành công nghiệp nước đóng chai là một trong những ngành sử dụng nước ít. Ví dụ, ở Pháp, nước khoáng tự nhiên chiếm 0,3% lượng nước ngầm có thể tái tạo”, người phát ngôn nói thêm.
Người phát ngôn của Hiệp hội Nước đóng chai quốc tế chia sẻ: “Tuyên bố sai lầm rằng việc sản xuất nước đóng chai sử dụng nhiều nước là chuyện hoang đường thường thấy”.
Đề cập đến Mỹ, người phát ngôn cho biết ngành “sản xuất nước đóng chai sử dụng một lượng nước cực kỳ nhỏ - chỉ 0,01%” trong tổng lượng nước sử dụng của cả nước.
Dù vậy, báo cáo mới cho biết có “rất ít dữ liệu về khối lượng nước được khai thác”. Nó cho thấy việc thiếu quy định và quản lý nước ngầm ở một số quốc gia có thể dẫn đến việc khai thác một lượng đáng kể, mà ít xem xét đến tác động xã hội và môi trường.
Làn sóng ô nhiễm nhựa
Theo báo cáo, ngành công nghiệp nước đóng chai đã tạo ra khoảng 600 tỷ chai và hộp nhựa vào năm 2021. Điều này dẫn đến khoảng 25 triệu tấn chất thải nhựa. Hầu hết trong số đó không được tái chế và kết thúc tại các bãi chôn lấp.
Cũng theo báo cáo, đống rác này khổng lồ đến mức có thể lấp đầy một hàng xe tải 40 tấn chạy từ New York đến Bangkok mỗi năm.
Khoảng 85% chai nước bằng nhựa, có thể mất tới 1.000 năm để phân hủy, cuối cùng trở thành rác thải. Chúng cũng kết thúc ở đại dương, tạo thêm vòng xoáy rác thải nhựa khổng lồ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển.
Một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng này cho thấy các đại dương trên thế giới đang bị ô nhiễm bởi “màn sương nhựa” được tạo thành từ khoảng 171.000 tỷ hạt nhựa mà nếu tập hợp lại sẽ nặng khoảng 2,3 triệu tấn.
Trong môi trường, chai nhựa có thể phân hủy thành các hạt cực nhỏ, được gọi là hạt vi nhựa, xâm nhập vào nguồn nước thực phẩm, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người.
“Điều đáng lo ngại là chúng ta tiếp tục bị 'nhốt' trong một hệ thống quá phụ thuộc vào việc cung cấp nước qua các chai nhựa, vốn chứa và rò rỉ hóa chất độc hại”, Therese Karlsson, cố vấn khoa học và kỹ thuật của Mạng lưới Loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế, nói.
Không chỉ vậy, Judith Enck, cựu quản lý khu vực của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ và hiện là chủ tịch của nhóm Beyond Plastics, gọi nhựa là “sát thủ khí hậu”.
Theo báo cáo riêng năm 2021, nếu ngành nhựa là một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 trên thế giới.
Mặc dù vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế xanh hơn cho chai nhựa, báo cáo mới cho biết vẫn chưa có “giải pháp đột phá”.
Một số công ty đang xem xét các giải pháp thay thế có thể phân hủy sinh học, được làm từ vật liệu khác với nhiên liệu hóa thạch và phân hủy nhanh hơn, nhưng Enck cho biết những giải pháp này không có khả năng giải quyết được vấn đề.
“Sự thật là hầu hết loại nhựa làm từ sinh học đều không thể phân hủy được”, bà nói. Đồng thời, bà cho biết thêm rằng “một giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa là giảm hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng nhựa sử dụng một lần”.