Hải Vân (26 tuổi, TP. Thủ Đức) thở phào nhẹ nhõm sau khi nhấn gửi file kế hoạch cho cấp trên. Vân sẽ có đợt nghỉ lễ Quốc khánh được nghỉ trọn vẹn 4 ngày.
“Chỉ trong 5 ngày, tôi nộp được 3 kịch bản lớn, trong khi bình thường mất hơn 1 tuần mới xong. Nhiều người rủ tôi làm việc trong lễ để nhân 3 tiền lương nhưng tôi từ chối thẳng. Tôi chẳng cần gì ngoài được nghỉ ngơi tử tế”, Vân nói.
Chia sẻ với Zing, Hải Vân cho rằng khối lượng công việc cận lễ có xu hướng tăng cao, deadline cũng dồn dập hơn. Đôi lúc, cô định từ bỏ, chấp nhận xử lý dần công việc trong lễ. Tuy nhiên, nỗi sợ “nhìn người khác đi chơi” liên tục thôi thúc, buộc cô hoàn thành mọi thứ đúng hạn đặt ra.
Ngoài ra, để tận hưởng trọn vẹn sự thoải mái, Vân xin phép quản lý không phản hồi bất kỳ nội dung gì liên quan công việc đến hết ngày 4/9. Theo Vân, đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực trong 2 tuần qua.
Không riêng gì Hải Vân, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ gồng gánh trả hết deadline sát lễ. Phần lớn đều sợ cảnh phải bận rộn khi gia đình, bạn bè được thảnh thơi.
Kỳ nghỉ không laptop
Vũ Đạt (24 tuổi, kỹ sư xây dựng) muốn dành kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tại TP.HCM. Anh vừa chuyển công tác từ Hà Nội vào đây 3 tháng trước nên chưa có nhiều cơ hội khám phá thành phố mới.
Anh thường dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi trong tuần để ngủ và dọn dẹp nhà cửa, hoặc đôi khi giải quyết công việc đột xuất. Hơn nữa, giá vé máy bay đắt đỏ và cảnh đông nghẹt người ở sân bay cũng là lý do anh không lựa chọn về nhà dịp lễ này.
“Cuối tháng trước, tôi đang tham quan Dinh Độc Lập vào sáng chủ nhật thì bị làm phiền bởi yêu cầu xử lý công việc gấp từ phía đối tác. Cuối cùng, tôi phải bỏ về giữa chừng để hoàn thành”, anh kể lại.
Vũ Đạt hy vọng anh không gặp phải tình huống này lần nữa trong vài ngày nghỉ ít ỏi sắp tới. Anh dự định sẽ tham quan những di tích lịch sử của thành phố, đồng thời góp mặt tại một số bữa tiệc của bạn bè.
Để làm được điều đó, anh bắt đầu thu xếp công việc từ 2 tuần trước, ưu tiên hoàn thành các hạng mục được giao còn dở dang. Thậm chí, anh hy sinh thêm 2 ngày chủ nhật gần đây để tiếp tục làm việc nhằm tránh chậm tiến độ chung, hoặc ít nhất không bị réo gọi trong kỳ nghỉ lễ.
“Tôi khá mệt mỏi nhưng phải cố gắng thôi. Tôi không muốn mấy ngày nghỉ phải chực chờ bên laptop”, anh cho biết.
Phùng Tiên (21 tuổi, nhân viên truyền thông) cũng sẵn sàng đón kỳ nghỉ “không laptop”. Đây là điều cô mong chờ sau nhiều tháng chật vật với lịch làm việc dày đặc.
Do đặc thù nghề nghiệp, Tiên có khá ít thời gian thảnh thơi. Những đợt lễ trước, cô không dám đi du lịch, không dám hứa với bạn bè, gia đình, về việc hẹn hò, tụ tập vì sợ mình chưa trả xong deadline.
Nhằm thoát khỏi hoàn cảnh tương tự, cô gấp rút hoàn thành các bài viết được giao để kịp ra Hà Nội gặp bạn bè trong dịp 2/9 này.
“Bình thường, tôi hay để việc tồn đọng thay vì xử lý ngay. Tuy nhiên, mấy ngày qua, tôi lập thời gian biểu khá khắt khe, thúc ép bản thân phải làm xong đúng hạn. Sau lần này, tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể tận hưởng kỳ nghỉ, thay vì cứ phải loay hoay, bận rộn. Đây sẽ là cơ hội để tôi có ý thức sắp xếp thời gian, cân bằng công việc và cuộc sống riêng”, Tiên nói thêm.
Nhẹ nhõm dù phải trực lễ
Trang Anh (24 tuổi, TP Hạ Long), nhân viên phụ trách truyền thông trên mạng xã hội của một số doanh nghiệp, dự định sẽ đi Thái Bình với gia đình để dự đám cưới của một người họ hàng, đồng thời khám phá food tour Hải Phòng trong 4 ngày nghỉ lễ.
Để có một chuyến du lịch suôn sẻ, ngoài việc đặt vé xe và khách sạn từ đầu tháng 8, cô còn sớm thu xếp công việc cá nhân, bao gồm việc soạn bài đăng, thiết kế hình ảnh, liên hệ khách hàng duyệt nội dung, cài lịch đăng bài từ gần 2 tuần trước.
Trang Anh cho biết càng gần dịp lễ, doanh nghiệp sẽ càng chạy nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá. Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, cô cố gắng giải quyết luôn nhiều đầu việc từ sớm.
“Khả năng cao tôi sẽ phải làm việc tới qua đêm 31/8. Hiện một vài khách hàng vẫn chưa duyệt nội dung đăng bài hoặc gửi hình ảnh như đã hẹn trước, nhưng nhìn chung đã khá ổn thỏa rồi”, cô nói
Nhờ thu xếp sớm, Trang Anh cho biết cô có thể để laptop ở nhà, chỉ cần mang điện thoại cùng sạc dự phòng trong chuyến đi nhằm xử lý yêu cầu đột xuất.
Do tính chất công việc, Trang Anh và các đồng nghiệp vẫn phải chia lịch trực và luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong kỳ nghỉ. Thế nhưng, cô chưa từng nghĩ đến việc chuyển sang một ngành nghề khác có thể được nghỉ ngơi ngày lễ trọn vẹn hơn.
Tương tự, Quỳnh Anh (25 tuổi, TP.HCM), nhân viên thiết kế đồ họa, cũng có 1 ca trực trong đợt nghỉ này. Cô xem đây là điều may mắn vì lễ, Tết năm nào cũng kín lịch làm việc.
Vài năm trước, cô nhiều lần phải mang theo máy tính làm việc dù đang cùng gia đình đi du lịch trong dịp lễ.
"Có lần, vừa xuống sân bay ở Đà Nẵng, tôi lấy laptop ra sửa file gấp theo yêu cầu của sếp. Ba mẹ phải ngồi đợi tôi hơn hai tiếng đồng hồ mới có thể qua khách sạn nhận phòng. Tôi luôn hối hận vì đã làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người thân", Quỳnh Anh kể.
Theo kế hoạch, cô sẽ chỉ cầm điện thoại trong ngày trực được phân công. Thời gian còn lại, Quỳnh Anh sẽ dành trọn cho các hoạt động vui chơi, ăn uống cùng người thân.
"Ai làm nghề này cũng không có ranh giới nào giữa ngày thường và ngày lễ. Thậm chí, lễ còn làm nhiều hơn vì nhu cầu khách hàng tăng cao. Năm nay, nhóm tôi cố gắng chia lịch trực để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi. Tôi hy vọng sẽ kịp phục hồi năng lượng trước khi phải quay lại túc trực bên laptop", cô bày tỏ.