Năm 2022, sóng gió bủa vây thị trường bất động sản khiến loạt doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Tâm điểm là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland – mã NVL) khi liên tục gặp khó khăn trong việc xoay dòng tiền để trả nợ.
Dù gặp khá nhiều khó khăn về thanh khoản, song báo cáo thường niên năm 2022 của Novaland cho thấy, doanh nghiệp khá mạnh tay trong việc chi trả lương cho nhân viên. Cụ thể, mức lương bình quân năm 2022 của Novaland tăng lên 43,6 triệu đồng. Đây cũng là mức lương bình quân cao nhất của doanh nghiệp bất động sản này từ trước đến nay.
Theo Novaland, thông qua các kết quả khảo sát, chính sách lương, thưởng hàng năm cho nhân viên của doanh nghiệp đang dẫn đầu trên thị trường ngành BĐS Việt Nam nói riêng và toàn ngành kinh tế nói chung.
Nhận định trên cũng không phải không có cơ sở, bởi mức lương bình quân năm 2022 của nhân viên Novaland còn “vượt mặt” thu nhập bình quân của hàng loạt nhân viên ngân hàng như Techcombank (43 triệu đồng), MB (39,9 triệu đồng), HDBank (38,5 triệu đồng).
Thậm chí, mức lương bình quân của doanh nghiệp bất động sản này còn vượt xa “Big 4” với Vietcombank (36,4 triệu đồng), BIDV (31,8 triệu đồng), VietinBank (31,3 triệu đồng), Agribank (29,14 triệu đồng).
Tuy dốc hầu bao trả lương cho nhân viên, song số lượng nhân sự của Novaland lại sụt giảm mạnh trong năm 2022. Cụ thể, tính đến 22/12/2022, số lượng nhân sự của Novaland giảm 579 người về còn 1.186 người, con số này giảm 33% so với năm 2021. Số lượng nhân sự năm 2022 cũng là con số thấp nhất trong vòng 8 năm qua, kể từ năm 2014.
Trước đó, trao đổi với báo giới về vấn đề nhân sự, lãnh đạo Novaland cho biết việc quyết định tạm dừng nhân sự nhằm dồn lực cho các dự án dài hơi, quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắt.
Song song đó, Tập đoàn triển khai các kế hoạch hành động để thực hiện chuẩn hoá nguồn lực hướng đến đa nhiệm, kiêm nhiệm nhằm tối ưu hoá chi phí và phù hợp với chiến lược năm 2023. Đây là năm của sự thích nghi với những chiến lược, chính sách nhằm ổn định và duy trì cũng như phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo kiểm toán năm 2022 của Novaland, tổng doanh thu hợp nhất giảm 25% về gần 11.151 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm gần 37% so với cùng kỳ xuống mức 2.181 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này chỉ đạt lần lượt 30% và 33% so với kế hoạch đề ra cho năm 2022.
Thậm chí, Công ty kiểm toán PWC còn đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland khi chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp. Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay trái phiếu. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này phụ thuộc vào khả năng thanh khoán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác để tạo ra dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Nói về chiến lược phát triển của Novaland thời gian tới, ông Bùi Xuân Huy - Tổng Giám đốc cho biết năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn kinh tế 2021 – 2025. Đây cũng sẽ là một năm để đo lường nội lực, sức bền và sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Theo ông Huy, bản chất bất động sản có tính chu kỳ, khi đi hết chu kỳ thì sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, thị trường bất động sản sẽ phát triển an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Riêng đối với Novaland, trong bối cảnh phải đối diện với những thách thức, khó khăn chung chưa từng có tiền lệ, ông Bùi Xuân Huy cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung tái cấu trúc toàn diện để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.