Theo một nghiên cứu dữ liệu mới từ StreetEasy, ngày càng nhiều người thuê nhà ở New York (Mỹ) đang ưu tiên việc được tận hưởng không gian riêng hơn là sống với bạn cùng phòng để cắt giảm chi phí. Họ sẵn sàng trả tiền cao hơn để thực hiện điều đó.
Trong bối cảnh lạm phát, giá thuê tăng mạnh, người dân được khuyến khích ở ghép cùng bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình để chia sẻ gánh nặng tài chính. Ngoài ra, đây cũng là cách nhường các căn hộ cho những người cần chỗ ở.
StreetEasy nhận định nhu cầu tìm nhà có hai phòng ngủ trở lên đang chậm lại nhanh chóng vào mùa thu. Tuy nhiên, các studio và căn hộ một phòng ngủ vẫn được săn đón.
Báo cáo còn cho thấy các chỉ số sụt giảm là điều không mong muốn khi giá cả trên toàn thành phố đã tăng 18% trong năm qua lên 3.353 USD mỗi tháng.
Với chi phí đắt đỏ như vậy, theo logic trong ngành bất động sản, người thuê nên tìm cách tiết kiệm hết mức có thể.
Mối quan tâm không ngừng đối với dạng nhà nhỏ kể từ năm 2021, khi thành phố mở cửa trở lại sau đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19, vẫn tiếp tục.
Trong 3 tháng hè, các lượt tìm kiếm về căn hộ một phòng ngủ và studio đã tăng lên con số khổng lồ 200%, theo New York Post.
Đối với nhóm có thể chia sẻ không gian sống, họ sẽ dành dụm được 14.900 USD/năm với nơi có 2 phòng ngủ và 20.300 USD cho nhà 3 phòng ngủ.
Tuy nhiên, xu hướng làm việc tại nhà nở rộ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về quyết định ở chung. Họ muốn có không gian thoải mái sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến người sống cùng.
“Không ít cá nhân vẫn đang làm việc hoặc học tập từ xa, số lượng nhóm này ngày càng lớn hơn so với trước Covid-19. Vì thế, việc kê bàn và có nhiều sự riêng tư hơn trong phòng ngủ là điều cần thiết với họ”, James Finelli, đại diện đại lý của Compass, chia sẻ.
Finelli cho biết thêm vì hầu hết chung cư đều có hạn chế về diện tích, những người thuê nhà đã chọn studio hoặc nơi có một phòng ngủ để khắc phục các bất tiện trong lối sống.
Ở một diễn biến khác, nhiều người trẻ đã quyết định chuyển về quê, ở cùng cha mẹ vì tiền thuê nhà quá cao.
Trong khi đó, giá cả của những mặt hàng thiết yếu khác cũng leo thang liên tục, chẳng hạn thực phẩm, nhiên liệu. Tất cả yếu tố trên dần ăn mòn túi tiền của người tiêu dùng và đẩy họ vào cuộc sống chật vật, “thắt lưng buộc bụng”.