David McElhinney là một nhà báo tự do và nhà văn du lịch đang sống tại Nhật Bản. Vì công việc, anh phải di chuyển rất nhiều, nên khi muốn tiết kiệm anh thường chọn khách sạn con nhộng. Đây cũng là phương án tối ưu dành cho những người đi công tác ngắn ngày và có ngân sách eo hẹp.
Phòng khách sạn giá 26 USD
Cuối những năm 1970, dạng khách sạn nhiều tầng chứa đầy các khoang ngủ hình khối được sử dụng làm điểm dừng chân cho những người lao động hay phải đi công tác. Từ đó, những khách sạn kiểu này là lựa chọn tiết kiệm và phổ biến cho du khách du lịch một mình. Gần đây, thay vì chọn một khách sạn dành cho doanh nhân hoặc nhà trọ truyền thống của Nhật Bản, David đã trả 26 USD để có trải nghiệm tại khách sạn con nhộng Nine Hours Otemachi, Tokyo.
Tại khu vực chung của khách sạn có bàn, ghế, Wi-Fi miễn phí, phù hợp cho những người đi công tác và cần làm việc cả ngày. Khu vực lưu trú và thang máy được phân chia theo giới tính. Đây là một đặc điểm tiêu chuẩn ở các khách sạn con nhộng nơi anh từng ở. Nine Hours Otemachi có kiểu thiết kế tối giản, hiện đại, sạch sẽ, được ưa chuộng rộng rãi ở Nhật Bản. Những vị khách giữ sự riêng tư bằng cách kéo tấm rèm ở cuối buồng ngủ xuống. Tại đây, David phải cởi giày trong khu vực ký túc xá theo thông lệ ở các gia đình Nhật Bản. Bên cạnh nơi cất quần áo và hành lý có tủ khóa bằng mã QR.
"Tôi luôn cảm thấy an toàn khi ở trong các khách sạn con nhộng. Nhưng bạn cũng nên thận trọng và để ý môi trường xung quanh", anh cho biết.
Không gian nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi
Mặc dù có kích thước nhỏ, nội thất được thiết kế riêng, nhưng căn phòng con nhộng có đầy đủ các tiện nghi cơ bản của khách sạn: cổng sạc USB, nút xoay để điều khiển đèn, hai giá nhỏ để đựng điện thoại hoặc các vật giá trị khác. David chia sẻ trên Insider: "Tôi cao 1,8 m nhưng không tốn nhiều thời gian để thích nghi với căn buồng nhỏ này. Nếu bạn cao hơn hoặc có chân tay dài hơn, có thể phải co đầu gối để bàn chân không bị thừa ra ngoài".
Những khách sạn con nhộng có không gian nhỏ là chuyện bình thường, vì những căn hộ ở thành phố lớn tại Nhật Bản cũng vậy. David chia sẻ anh sẽ không gợi ý căn phòng này cho người mắc chứng sợ không gian hẹp. Khi kéo rèm xuống, anh cảm nhận rất rõ căn phòng con nhộng của mình chật đến mức nào. Những người khó ngủ nên mang theo nút bịt tai vì hệ thống cách âm không được tốt. "Mỗi lần ở đây, tôi đều nghe được tiếng ngáy ở đâu đó xung quanh", anh cho biết.
Gần đây, khách sạn cho ra mắt dạng phòng mới hình tàu con thoi, có cửa sập và cách âm tốt hơn với giá cao hơn. Trong đó cung cấp thêm dịch vụ phân tích, đo lường giấc ngủ và kiểu thở của khách, là một phần trong khái niệm khách sạn chăm sóc sức khỏe mới của Nine Hours Otemachi.
Phía bên dãy phòng tắm có buồng tắm với vòi hoa sen, bồn rửa, tủ đựng nước và tủ khóa cho mỗi khách. Khách sạn cũng cung cấp đồ vệ sinh cá nhân, khăn tắm, đồ ngủ miễn phí. "Tôi ở lại vào đêm thứ ba, dường như có ít người quanh khu vực phòng tắm hơn tôi tưởng tượng", anh cho biết.
Không dành cho người khó ngủ
"Một phần vì tiếng ngáy to ở cuối hành lang, tôi trằn trọc cả đêm và cuối cùng cũng có thể bước vào thế giới giấc mơ của chính mình", David chia sẻ.
Trải nghiệm trong khách sạn con nhộng phụ thuộc vào khả năng ngủ trong môi trường chật hẹp và hành vi của những người khách bên cạnh. David cho biết trước đây anh đã ở căn phòng kiểu này nhiều lần rồi, nhưng anh không chắc mình có thể làm như vậy nhiều đêm liên tiếp.