Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện nay ở một số nước khác nguồn huy động trái phiếu rất tốt cho doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, thời gian qua việc huy động trái phiếu của một số ngành kinh doanh bị khó khăn vì mất niềm tin từ người dân và trái chủ dẫn đến kênh huy động đó bị bế tắc. Do vậy, ông đề xuất NHNN cùng các bộ, ngành liên quan xem xét phương án hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển tốt, thì nhà đầu tư mới cảm thấy an tâm.
“NHNN nới lỏng room cho vay là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển bất động sản và kinh doanh thì mới tồn tại vững mạnh. Khi đó, các nhà đầu tư trái phiếu họ sẽ tham gia trở lại bình thường. Còn như hiện nay, các nhà đầu tư họ sợ doanh nghiệp có tồn tại phát triển được không? Sản phẩm có đưa đến tay người tiêu dùng được không?”, ông Khương nói.
Bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland cho biết, tháng 11/2022 cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Đối diện với rất nhiều khó khăn, Novaland đã kết hợp với một hãng luật và công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young (EY) để tiến hành tái cấu trúc.
Trong quá trình làm việc với các đối tác quốc tế, Novaland cũng chia sẻ việc đối diện với rủi ro mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, gần như mạnh nhất thế giới; thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời. Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bị khủng hoảng mạnh.
Do đó, để giải quyết vấn đề về trái phiếu, đại diện Novaland cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN. “Thời gian vừa rồi trải qua cuộc khủng hoảng về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào thị trường này. Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn.
Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ”, bà Lan kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn trong một số trường hợp.
Thứ nhất, doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn mà nếu không được gia hạn thì bị xếp vào nhóm nợ “xấu”.
Thứ hai, doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị “nhảy nhóm” sang nhóm nợ “xấu hơn”.
Thứ ba, doanh nghiệp có nợ “xấu” dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép “nới một chút” điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng.
Theo đó, để giải quyết vấn đề trái phiếu, ông Châu đề nghị NHNN xem xét bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để phù hợp với Nghị định 65/2022/NĐ-CP.