Trình bày tham luận tại hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” diễn ra ngày 17/12/2022 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings cho rằng cải thiện mình bạch thông tin về các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố then chốt để khôi phục niềm tin và từng bước khai thông kênh dẫn vốn quan trọng này.
Lợi ích cho doanh nghiệp
Minh bạch thông tin là vấn đề nhạy cảm và khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi các thông tin còn đang “mập mờ”, họ có thể dành lợi thế trong việc thỏa thuận lãi suất và các điều khoản đi kèm khi vay vốn hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên tình hình nay đã khác trước.
Khảo sát của FiinRatings qua các nền tảng giao dịch trái phiếu cũng cho thấy trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết, có chất lượng tín dụng tốt có giao dịch khá sôi động, đặc biệt là khi lợi tức trái phiếu tăng cao sau khi nhiều nhà đầu tư “cắt lỗ” trái phiếu do tâm lý có phần hoảng loạn trước những sự kiện tiêu cực.
Nhìn rộng ra trên kênh vốn nợ quốc tế, số liệu của FiinRatings cũng cho thấy có ít nhất 10 đợt huy động vốn thành công với tổng giá trị 1,9 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 10 năm 2022, tuy vậy mặt bằng lãi suất huy động đã tăng cao hơn so với giai đoạn trước kia, phản ánh môi trường lãi suất gia tăng trên thị trường cũng như để bù đắp cho rủi ro mới trong bối cảnh hiện tại.
Ông Thuân đã chỉ ra trong tham luận, phần lớn các giao dịch huy động thành công này đều có chung một đặc điểm là minh bạch thông tin. Hầu hết trong số 10 doanh nghiệp phát hành vốn nợ thành công, hầu hết là các doanh nghiệp niêm yết và có 2 doanh nghiệp hiện đang thực hiện xếp hạng tín nhiệm với FiinRatings, bao gồm F88 (BBB-, triển vọng Ổn định) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (A-, triển vọng Ổn định).
Sự minh bạch cũng rất cần thiết với cả các tổ chức phát hành chưa niêm yết.
Ngay cả trong tình huống doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ nợ với trái chủ và phải chuẩn bị trước cho tình huống tái cấu trúc, hoãn hoặc giãn nợ với các điều khoản mới. Minh bạch thông tin giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị cả về tài chính lẫn tâm lý, để tránh đổ vỡ dây chuyền khi thông tin mập mờ và không đầy đủ.
Do đó, ông Thuân khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động minh bạch thông tin với nhà đầu tư. Việc chủ động gặp gỡ, cung cấp thông tin và đàm phán thông qua các tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu và thậm chí cả ngân hàng nếu có dư nợ vay tín dụng sẽ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tránh rơi vào tình huống bị động. Việc vi phạm nghĩa vụ nợ có thể ảnh hưởng đến uy tín, hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn và thậm chí phải qua các thủ tục tòa án, đây là một vấn đề phức tạp và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp trong tương lai khi thị trường khơi thông trở lại.
Lành mạnh thị trường - Gỡ nút thắt trái phiếu
Trong ba năm từ 2019 đến 2021, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn tín dụng trung và dài hạn lớn nhất, vượt qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ thị trường cổ phiếu. Riêng năm 2021, tổng giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng trong khi tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức hơn 480 nghìn tỷ đồng và huy động vốn qua kênh thị trường cổ phiếu chỉ đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Hiện huy động mới trên thị trường sơ cấp ảm đạm chỉ với một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kể từ đầu quý 4/2022, trong khi hoạt động mua lại trái phiếu diễn ra sôi động đã tạo khó khăn rất lớn về dòng tiền cho doanh nghiệp khi phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ trước hạn theo yêu cầu từ phía nhà đầu tư. Đây là hiệu ứng “kép” tác động đến việc thực hiện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp, bởi trước đó phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được huy động nhằm phục vụ các dự án và công trình đầu tư trung và dài hạn.
“Kênh trái phiếu doanh nghiệp cần được khôi phục để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2023 và những năm tới”, ông Thuân nhận định.
Hiện có tới 83% giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang lưu hành vào cuối tháng 10 năm 2022 thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trong khi các thông tin về tổ chức phát hành gần như “vắng bóng”. Thông tin về phương án phát hành có trước đó vài năm cũng đã cũ và nội dung các bản chào hoặc phương án phát hành còn thiếu nhiều thông tin.
Theo phân tích của ông Thuân, các thông tin kê khai hiện nay chủ yếu nhằm mục đích tuân thủ theo các hạng mục chuẩn của quy định hiện nay, trong khi đó lại thiếu các thông tin đánh giá về năng lực trả nợ của tổ chức phát hành. Thực tế, khác với cổ phiếu, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu cần có được những thông tin về khả năng trả gốc và lãi, không chỉ dựa vào dữ liệu quá khứ mà quan trọng nhất là phải có dự báo dòng tiền, thay vì các chỉ số từ báo cáo tài chính.
Việc minh bạch thông tin không chỉ ở giai đoạn phát hành mà cả trong hoạt động phân phối và lưu hành trái phiếu sau đó. Mặc dù thị trường giao dịch thứ cấp tập trung cho trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 theo yêu cầu của Nghị định 65, việc minh bạch thông tin về khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ và những đánh giá độc lập vẫn sẽ là cơ sở quan trọng để khôi phục niềm tin và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư khi họ quyết định mua trái phiếu, ông Thuân chia sẻ.
“Cũng giống như khi Chính phủ huy động trái phiếu nội địa, trái phiếu quốc tế, Chính phủ đã rất minh bạch thu chi, số dư dự trữ ngoại hối, và tham gia xếp hạng tín nhiệm, v.v. thì không có cớ gì doanh nghiệp lấy tiền của công chúng vay nợ lại không minh bạch thông tin”, ông Thuân kết luận.