Thị trường trải qua những phiên giao dịch tương đối giằng co sau nhịp hồi phục ngắn. Sau phiên giảm cuối tháng 5, VN-Index đóng cửa phiên 1/6 thành công giành được sắc xanh vào thời điểm cuối, kết quả tăng 3,2 điểm lên mức 1.078,39 điểm. Thanh khoản có phần sụt giảm nhẹ so với vài ngày trước khi tâm lý nhà đầu tư có phần e dè hơn với biến động của thị trường.
Đáng chú ý, lực cầu chủ yếu xuất phát từ nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại đang ghi nhận tình trạng bán ròng xuyên suốt tháng 5 vừa qua. Đà rút ròng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây khiến thành quả trước đó trở thành dĩ vãng. Khối ngoại bán ròng 15/20 phiên trên HoSE với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng, qua đó khiến dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đảo chiều. Tại thời điểm hết phiên 1/6, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE lũy kế từ đầu năm 2022 đã đảo chiều sang bán ròng 49 tỷ đồng.
Đáng nói, giai đoạn thị trường tạo đáy cuối năm 2022 lại là thời điểm vốn ngoại tham gia nâng đỡ thị trường. Tới nay tình hình vĩ mô 5 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát ở mức ổn định, các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đã được ban hành kịp thời. Chính phủ cũng cho thấy quyết tâm thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay. Tổng hòa những yếu tố trên, Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng thu hút vốn ngoại. Riêng với thị trường chứng khoán, câu chuyện nâng hạng cũng tạo thêm kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài muốn tiến vào. Việc nhiều quỹ ETF mới tiến hành niêm yết cho thấy phần nào đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Song, cần nói rằng khối ngoại đã mua ròng tương đối mạnh kể từ vùng đáy tháng 11/2022. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường đã hồi phục đáng kể và nhiều cổ phiếu tăng mạnh lên mức giá cao nhiều tháng, hiện tượng chốt lời là điều dễ hiểu. Kèm theo đó, hiện trái phiếu Mỹ đang hồi phục tốt, ít nhiều có sự xoay chuyển dòng tiền ngoại, chuyển từ các nhóm tài sản rủi ro (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp) sang tài sản phi rủi ro.
Ngoài ra, định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn, đặc biệt sau mùa báo cáo tài chính quý 1 với lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. P/E hiện tại đạt 12.x lần, tương đối cao so với đáy nửa năm về trước.
Không chỉ vậy, hầu hết các quỹ ngoại lớn như VEIL-Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… đã gần như không còn dư địa tiền mặt để giải ngân từ cuối tháng 4 trong khi China Trust Vietnam Opportunity Fund mới chỉ dừng ở bước gọi vốn.
Ngoài những áp lực tới từ nhóm quỹ chủ động, dòng tiền ETF không còn giữ được phong độ. Fubon ETF tiếp tục chững lại từ cuối tháng 3 dù vẫn trong đợt huy động bổ sung đợt 5 trong khi DCVFM VNDiamond ETF lại liên tục bị nhà đầu tư Thái Lan rút vốn thông qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Các quỹ ETF chủ yếu là cuộc chơi của các tổ chức ngoại, do đó động thái rút ròng tại các ETF khiến động lực mua ròng của khối ngoại trên sàn giảm đi đáng kể.
Tuy vậy, việc rút lui của khối ngoại chưa ảnh hưởng quá lớn tới diễn biến thị trường nhờ sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE hầu như chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng lượng giao dịch.
Ở khía cạnh khác, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ mang tính chất thời điểm và dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận. Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý 2, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu ghi nhận tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.