Sau 3 năm làm việc dưới dạng đối tác, vào tháng 7 vừa qua Jonathan Ive (Jony Ive), cựu Phó chủ tịch Apple, đã chính thức dừng các công việc hợp tác với tập đoàn. Theo New York Times, đây rõ ràng là một dấu mốc quan trọng đối với thiết kế sản phẩm chung của Apple.
Được mệnh danh là “huyền thoại thiết kế của Apple”, ông là người chịu trách nhiệm thiết kế hầu hết sản phẩm của tập đoàn trong quá khứ. Jony Ive đã biến những chiếc điện thoại và máy tính không chỉ đơn giản là những thiết bị điện tử thông thường mà còn trở thành một món đồ tinh tế, thiết kế tối giản, đi kèm với những chi tiết mỹ thuật công nghiệp phục vụ trực tiếp cho từng tác vụ, từng nhu cầu sử dụng của người dùng
Cùng với sự ra đi của ông, Apple đang thử sức ở một lĩnh vực mới với bộ kính thực tế ảo hỗn hợp đầu tiên của mình. Đây là nỗ lực mới nhất cho thấy gã khổng lồ công nghệ đang bước chân vào lĩnh vực metaverse đang lên, đối đầu trực tiếp với Meta, công ty mẹ của Facebook.
Nhưng câu hỏi đặt ra là những thiết bị tương lai của Táo khuyết sẽ ra sao khi thiếu đi bàn tay của “phù thủy thiết kế” Jony Ive?
Trên đà đổi mới
Theo cây viết Vanessa Friedman của New York Times, Apple hoàn toàn có thể đánh bại những sản phẩm đi trước như kính Google Glass của Google hay thiết bị VR Oculus của Meta. Hãng sẽ tạo ra một chiếc máy tính trong hình hài bộ kính độc đáo như đã từng thành công với dòng smartphone, máy tính hay tai nghe của mình. Đồng thời, những thiết bị cho metaverse cũng sẽ được Táo khuyết hóa thân để trông thời trang và hữu ích hơn với người dùng.
Nhưng viễn cảnh này rất có thể sẽ không xảy ra nếu thiếu đi Jony Ive.
Mất đi sự đóng góp của cựu Phó chủ tịch, những sản phẩm của Apple như thiếu đi nét tinh tế và độc đáo trước đây của mình. Gã khổng lồ công nghệ dường như đang trên đà đổi mới.
Với những công ty công nghệ khác, việc một nhà thiết kế rời đi dường như không quá quan trọng. Nhưng trong trường hợp của Apple, Jony Ive là người đóng vai trò định hình ngôn ngữ thiết kế giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật của hãng.
Cộng sự của ông, cố CEO Steve Jobs, cũng là người hiểu rõ và đồng cảm với triết lý thiết kế đi trước thời đại này. Cặp bài trùng này đã biến những thiết bị điện tử vốn khô khan, cứng nhắc trở nên thời trang, tinh tế, khiến cả thế giới háo hức mỗi khi Apple ra mắt một mẫu sản phẩm mới.
Sự hợp tác ăn ý giữa hai người bắt đầu từ dự án máy tính iMac thế hệ đầu tiên vào năm 1998. Thành công của iMac đã tạo dựng lại vị thế của Apple trên thị trường máy tính, cũng là sản phẩm cho thấy tầm nhìn của Táo khuyết. Kể từ khi đó, bộ đôi định hình Apple trong suốt nhiều thập kỷ, thậm chí là truyền cảm hứng cho cả giới công nghệ.
Nhưng đến khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, Jony Ive cũng bắt đầu lui về hậu trường, nhường chỗ cho CEO Tim Cook trở thành gương mặt đại diện của tập đoàn. Tuy nhiên, giữa hai người tồn tại không ít bất đồng. Ive từng nhiều lần bày tỏ sự chán nản với CEO hiện tại của Apple, người luôn tỏ ra ít hứng thú với quá trình phát triển sản phẩm, mà chỉ tập trung vào khâu tìm kiếm lợi nhuận.
Thiết kế không còn là số một
Sau khi lên nắm quyền, Tim Cook liên tục chiêu mộ một loạt nhân sự mới cho mảng thiết kế của Apple.
Năm 2013, hãng công nghệ đã quyết định thuê Paul Deneve, cựu giám đốc điều hành của hãng thời trang danh tiếng Yves Saint Laurent về làm Phó chủ tịch bộ phận "các dự án đặc biệt”.
Một năm sau, Patrick Pruniaux, Phó chủ tịch bộ phận kinh doanh và bán lẻ của thương hiệu đồng hồ hạng sang Thụy Sĩ Tag Heuer, cho biết ông đã đầu quân cho Apple. Cũng trong năm này, Angela Ahrendts, cựu Phó chủ tịch phụ trách thiết kế tương tác và kỹ thuật số của Burberry, cũng được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu bộ phận bán lẻ và bán hàng trực tuyến của hãng.
Đây được đánh giá là nỗ lực của Apple trước mục tiêu tăng cường lực lượng cho cuộc đua thiết bị đeo tay thông minh của hãng với sản phẩm iWatch.
Song, sau khi Apple Watch được công bố, doanh số hoàn toàn không đáp ứng được kỳ vọng nội bộ. Apple chỉ bán được 10 triệu chiếc so với chỉ tiêu 40 triệu chiếc mà công ty đưa ra lúc đầu.
Điều này đã khiến những nhân vật “sừng sỏ” Apple chiêu mộ từ những thương hiệu lớn lần lượt rời đi. Năm 2016, Paul Deneve từ chức. 3 năm sau, Angela Ahrendts và Patrick Pruniaux cũng nghỉ việc. Ngay sau đó, Jony Ive tuyên bố rời khỏi Apple nhưng vẫn tiếp tục là cố vấn thiết kế cho các sản phẩm của hãng.
Kể từ khi đó, chức Giám đốc thiết kế của Apple luôn bị bỏ ngỏ. Không một ai nối gót Ive tại vị trí này. Thay vào đó, Evans Hankey, Phó chủ tịch phụ trách mỹ thuật công nghiệp và Alan Dye, Phó chủ tịch mảng thiết kế giao diện người dùng, thay phiên nhau đảm trách khoảng trống Ive để lại tại tập đoàn.
Đồng thời, nhiều dấu hiệu cho thấy hãng công nghệ dần mất tập trung với khâu thiết kế cho sản phẩm của mình, kể cả khi Jony Ive vẫn còn tại nhiệm.
Năm 2015, Apple đã ra mắt con chuột không dây Magic Mouse 2, bị người dùng chê có thiết kế tệ hại. Vị trí cổng sạc được đặt ở mặt dưới của Magic Mouse 2 được đánh giá là một trong những thiết kế ngớ ngẩn của Táo khuyết, một công ty luôn tập trung vào thiết kế, trải nghiệm tối ưu cho người dùng.
Nhưng đây không phải thiết kế "thảm họa" duy nhất của Apple. Bút cảm ứng Apple Pencil thế hệ đầu tiên cũng có cách sạc khó hiểu khi phải cắm vào cổng Lightning của iPad. Không chỉ vô lý, việc một vật nhọn dài ra từ cổng sạc iPad còn dễ gây va đập, hỏng hóc.
Vì vậy, bộ kính thực tế ảo sắp tới chính là sản phẩm được mong chờ và sẽ đặt lên bàn cân so sánh rất nhiều bởi đây là sản phẩm cuối cùng còn sót lại dấu ấn của Jony Ive trước khi rời đi. Đồng thời, nó còn là chỉ dấu cho bước chuyển mình sắp tới của ngôn ngữ thiết kế tại Apple.
Bộ kính VR/AR sẽ trở thành phép thử xem liệu rằng đây sẽ là bước tiến cho một kỷ nguyên mới hay là sự thụt lùi và lụi tàn của một đế chế khi thiếu đi bàn tay của “phù thủy thiết kế”, cây viết Vanessa Friedman của New York Times nhận định.