Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 10941/BGTVT – CQLXD đề nghị UBND TP. Hà Nội bố trí vốn, đẩy nhanh triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (dự án cầu đường sắt Đuống).
Khó được người dân đồng thuận
Trên cơ sở quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ của dự án cầu đường bộ Đuống với quy mô xây dựng cầu đường bộ mới có bề rộng mặt cầu là 56m (gồm cả 2 đơn nguyên, tương đương 8 làn xe).
Trước đó, vào tháng 7/2023, Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống. Dự án sẽ có một cầu dành riêng cho đường sắt ở phía thượng lưu và một cầu dành riêng cho đường bộ ở phía hạ lưu để thay thế cầu Đuống hiện hữu. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.800 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng là 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (theo quy mô giai đoạn phân kỳ) là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 43,081 tỷ đồng; chi phí khác là 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 195.394 triệu đồng.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn 2021-2025. Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư) và các nhà thầu đang thực hiện công tác thủ tục, huy động thiết bị để triển khai thi công cầu đường bộ Đuống cũng như phối hợp với UBND quận Long Biên và UBND huyện Gia Lâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Với mục tiêu tách riêng cầu đường bộ và cầu đường sắt nên cần hoàn trả hạ tầng cầu đường bộ hiện có. Vì vậy, tại quyết định phê duyệt dự án, giai đoạn 1 chỉ đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng tương ứng một đơn nguyên. Khi đó, trong tương lai UBND TP. Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng và đầu tư đơn nguyên còn lại.
Đáng nói, "việc phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn dẫn đến một số hộ dân sẽ phải giải phóng mặt bằng hai lần, đặc biệt một số hộ dân bị giải phóng mặt bằng ba lần khi thực hiện cả các dự án của địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bị thu hồi đất", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ bất cập.
Cùng với đó, trong thời gian này, một số hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhà ở theo quy định, sẽ gây nhiều bất cập.
Vấn đề này không nhận được sự đồng thuận của người dân, các địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án.
Đến nay, "theo thông tin phản ánh của chính quyền địa phương, qua đối thoại, tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị giải phóng mặt bằng một lần cho cả hai giai đoạn. Nội dung này cũng đã được các địa phương kiến nghị chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án đầu tư được duyệt, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư dự án giai đoạn mở rộng theo quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân bị giải phóng mặt bằng của giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, thống nhất chủ trương giải phóng mặt bằng một lần cho cả hai giai đoạn.
Đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án cầu đường bộ Đuống (bao gồm cả phạm vi khu vực đảo tam giác trên địa bàn quận Long Biên) theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Trên cơ sở ý kiến của UBND TP. Hà Nội về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Rà soát quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn
Về công tác tái định cư trên địa bàn huyện Gia Lâm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Quyết định số 10/2017 của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội, các hộ gia đình bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất.
Sau khi rà soát quỹ đất tái định cư tại khu vực Bắc Đuống, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp nghiên cứu, báo cáo UBND TP. Hà Nội lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng, giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Nguyên nhân do khu tái định cư xã Yên Thường không còn diện tích giao đất ở tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án đường sắt, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, rà soát về công tác bố trí quỹ nhà, quỹ đất tái định cư phục vụ dự án.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2023 UBND huyện Gia Lâm đã chủ trì họp về việc xây dựng phương án tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án.
Theo đó, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án.
Tuy nhiên, việc xây dựng dự án tái định cư (với thời gian dự kiến thực hiện khoảng 3 năm) sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án cầu Đuống.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội bố trí quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn của thành phố ở các địa bàn khác phục vụ công tác tái định cư cho dự án qua địa bàn huyện Gia Lâm để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.