Sau khi hàng quán được mở bán trở lại, việc được chốt đơn sau một thời gian dài khiến bạn hưng phấn lạ thường.
Đây chính là hiện tượng “mua sắm báo thù” (revenge shopping) khi người dân chi tiêu mua sắm nhiều sau thời gian giãn cách xã hội. Hiện tượng này đã được các nhà kinh tế học dự đoán và quan sát tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc,...
Vậy, tại sao chúng ta lại mua sắm báo thù?
Mua sắm để được kết nối với người khác
Con người vốn là một sinh vật xã hội luôn có nhu cầu giao tiếp với người khác. Hành động mua bán, trao đổi hàng hoá là một trong những hình thức cơ bản, cổ xưa nhất của mối liên hệ giữa người với người.
Khi thiết lập quan hệ mua bán, chúng ta vừa thoả mãn các nhu cầu vật chất, vừa thoả mãn nhu cầu giao tiếp với nhau.
Nhớ lại xem, trước đây, bạn đã bao nhiêu lần dạo trung tâm thương mại hay vào cửa hàng tiện lợi chỉ để ngắm nhìn phố xá, nghe âm thanh xì xào hay nói chuyện với nhân viên bán hàng?
Trong thời gian giãn cách, chúng ta buộc phải thu hẹp vòng tròn xã hội của mình, đồng thời giảm thiểu các tương tác. Chính vì vậy mà lâu ngày sinh ra chứng “thèm hơi người”.
Do đó, khi vừa trở lại nhịp sống bình thường, việc phóng xe đi gặp chị bán bún bò thân quen hay gặp shipper để lấy hàng đã đem đến một niềm vui to lớn. Gặp gỡ người khác tiếp thêm cho chúng ta năng lượng sống, tạo cảm giác an toàn và khiến ta cảm thấy được thuộc về.
Mua sắm để giảm stress
"Trong những tháng không đi lại, không ăn ngoài, tôi đã tiết kiệm nhiều rồi. Bây giờ xài thôi - vừa giảm stress, vừa góp phần kích cầu kinh tế".
Đây là luận điểm của Quỳnh Như (TP.HCM, 33 tuổi) khi bận rộn chạy lên chạy xuống nhận đồ ăn, hàng hóa mua qua mạng để chuẩn bị trở lại văn phòng.
Ở lâu trong nhà rất dễ stress, mà stress tích tụ lâu ngày thì gây hại cho sức khoẻ tâm lý.
4 tháng giãn cách, việc đột ngột thay đổi thói quen sống và công việc trì trệ đã khiến nhiều người thấy tù túng. Ngoài ra còn có các mối lo về bệnh tật, tương lai tài chính, những bất đồng, va chạm giữa các thành viên trong gia đình do phải chung đụng nhiều.
Ti tỉ chuyện cùng lúc đè nặng xuống khiến tinh thần ta căng thẳng, bức bối. Và mua sắm lúc này là cách giải tỏa.
Có lẽ, bạn đã từng nghe rằng việc mua sắm có tác dụng xua tan căng thẳng và khiến con người trở nên hưng phấn hơn, đặc biệt là với phái nữ. Người ta gọi đây là "retail therapy", hay liệu pháp mua sắm giúp tạm thời gỡ bỏ phiền muộn.
Khi chúng ta rơi vào bẫy "revenge shopping", thực ra, chúng ta đang tìm kiếm "retail therapy" để giải tỏa những bứt rứt tâm lý.
Thế nên, dẫu biết rằng bản thân cần tiết kiệm cho tương lai bấp bênh, không ít người vẫn khó dừng tay trong việc bỏ hàng vào giỏ.
Mua sắm để thể hiện tình yêu thương chính mình
Với một số người, việc nhìn thấy đồng ra đồng vô còn đem lại cảm giác được làm chủ dòng tiền, làm chủ cuộc đời.
Nói cách khác, bằng cách xài tiền, bạn nhắc bản thân nhớ mình kiếm tiền để hưởng thụ cuộc sống, chứ không phải sống chỉ để kiếm tiền.
Lại nói, xã hội hiện đại luôn thúc giục mỗi người chúng ta yêu thương, chăm chút cho chính mình nhiều hơn, nên bạn dễ nuông chiều bản thân sau thời kỳ thắt lưng buộc bụng.
Mua sắm đồng nghĩa với việc mình đang làm điều tốt đẹp cho bản thân - chủ nghĩa vật chất đã hằn sâu quan điểm này vào đầu bạn rồi; còn việc bạn cần món đồ kia hay không thì tính sau.
Mua sắm báo thù sao cho đúng?
Nếu thu nhập của bạn may mắn không bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình kinh tế khó khăn, thì việc bạn mua sắm thật đáng ngưỡng mộ, thật đáng cảm ơn. Bởi, ở một khía cạnh, bạn đang đóng góp vào dòng tiền giúp tạo ra cơm ăn, áo mặc cho người khác.
Tuy vậy, bạn vẫn nên nhớ: Cuộc sống an toàn nhất, bền vững nhất là một cuộc sống có chừng mực.
Shopping có thể là một cách giúp bạn cân bằng sức khoẻ tinh thần sau khi trải qua giai đoạn tù túng của việc hạn chế đi lại, hạn chế giao tiếp. Nhưng, đừng buông thả và xài thẻ phóng tay. Việc mang nợ tín dụng hay hết tiền tiết kiệm vì mấy phút bốc đồng cũng khó chịu, bất lực không kém.
Cách tốt nhất là bạn "liệu cơm gắp mắm", xem bao nhiêu phần trăm ngân sách của mình có thể dành cho khoản mua sắm báo thù này.
Nếu dư giả thì mua một vài món đồ tưởng thưởng cho mình. Nếu ít tiền hơn, hãy mua một phần ăn khoái khẩu và cùng người thân thưởng thức. Khoa học đã chứng minh: Được ăn khiến con người ta vui vẻ hơn, như vậy là bạn đã nhân đôi niềm vui rồi đấy.
*Bài viết thể hiện quan điểm của riêng người viết, không đại diện cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào.