Thị trường tài chính đang kỳ vọng đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong chu kỳ này. Giới đầu cơ đang đặt cược khả năng gần như 100% Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên ngưỡng 5,25-5,5%, cao nhất kể từ tháng 1/2001. Quan trọng hơn, thị trường muốn biết liệu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed cảm thấy họ đã đi đủ xa hay vẫn còn việc phải làm trong cuộc chiến chống lại lạm phát “cứng đầu” ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Tín hiệu của Fed có thể sẽ là: vâng, chúng tôi đang tăng lãi suất, nhưng chúng tôi nghĩ có thể dừng ở đây một thời gian để xem tình hình thế nào. Nhưng sẽ không có một lời hứa hẹn nào. Họ không thể từ bỏ việc để ngỏ các lựa chọn”, chiến lược gia trưởng về trái phiếu Kathy Jones của Charles Schwab nhận định.
Thực chất, đường đi chính sách của Fed hiện vẫn chưa có gì là chắc chắn. Các nhà hoạch định chính sách trong Fed gần như nhất trí 100% rằng lạm phát vẫn còn quá cao, nhưng việc tiếp tục tăng lãi suất từ thời điểm này trở đi đặt ra rủi ro đối với một nền kinh tế mà nhiều người cho là chí ít sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ.
Quan điểm 1: Fed tăng lãi suất đã đủ
Bà Jones là một trong số ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tin rằng Fed đã tăng lãi suất đủ. Với mức lạm phát toàn phần cả năm đã giảm về ngưỡng 3% vào tháng 6 vừa qua từ mức 9,1% cách đây 1 năm, đang xuất hiện một rủi ro ngày càng lớn là Fed có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy giảm một cách không cần thiết.
“Fed đã tăng lãi suất đủ rồi. Từ giờ trở đi, họ sẽ ở vào một tình thế cân bằng mong manh. Theo tôi, quyết định của Fed sẽ là: bây giờ như vậy là đủ, chúng ta nên chờ xem sao. Nhưng rõ ràng các quan chức Fed nghĩ họ phải tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần nữa” sau đợt tăng dự kiến vào ngày thứ Tư - bà Jones nói.
Trên thực tế, các quan chức của Fed đã phát tín hiệu mạnh mẽ tại cuộc họp gần đây nhất của họ - cuộc họp đầu tiên trong chu kỳ thắt chặt này mà lãi suất không tăng - rằng họ thấy cần ít nhất hai lần tăng nữa trong năm nay. Kể từ cuộc họp đó, các nhà hoạch định chính sách Fed đã có rất ít những phát biểu với mục đích xua tan khả năng lãi suất cao hơn.
Dù vậy, thị trường có vẻ như không bận tâm. Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, với chỉ số Dow Jones tăng hơn 5% chỉ trong 1 tháng trở lại đây. Đó có thể là bởi các nhà giao dịch phớt lờ những lời cứng rắn của Fed và đặt cược khả năng chỉ 35% vào một đợt tăng lãi suất nữa trước cuối năm nay - theo dữ liệu từ FedWatch Tool của sàn CME.
Một điểm mấu chốt tại cuộc họp tuần này của Fed là liệu Chủ tịch Fed Jerome Powell có chỉ ra rằng, ít nhất, Fed sẽ lại bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 hay không, trong lúc Fed dành thời gian phân tích tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế. Ông Powell đã nói rằng Fed không bị ràng buộc vào một lộ trình tăng lãi suất cụ thể nào, nhưng ông đã chỉ ra rằng tiến độ tăng lãi suất có thể giảm bớt.
Ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust Investment Advisors, bình luận: “Việc tăng lãi suất sắp diễn ra vào ngày thứ Tư này là không cần thiết, và có lẽ 2 đợt tăng lãi suất cuối cùng như Fed dự định cũng không cần thiết. Cho đến thời điểm chúng ta bước sang tháng 11, điều đó sẽ còn rõ ràng hơn nữa”.
Quan điểm 2: Fed vẫn cần tăng thêm lãi suất
Tuy nhiên, chính sách của Fed đã dựa trên một niềm tin rằng khi nói đến việc chống lạm phát, tốt hơn nên làm quá nhiều một chút thay vì làm quá ít. Đợt lạm phát hiện nay là nghiêm trọng nhất mà Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác phải đối mặt kể từ đầu những năm 1980. Giai đoạn lạm phát trước kia cũng là nguyên nhân khiến Fed phải suy nghĩ rất nhiều, vì khi đó, việc các nhà hoạch định chính sách rút lui khỏi cuộc chiến lạm phát quá sớm rốt cục đã dẫn tới vấn đề còn tồi tệ hơn.
“Thật dễ dàng để cho rằng họ đang đi quá xa”, ông Tilley nói. “Nhưng tôi phải nói rằng nếu tôi ngồi vào ghế của họ, tôi có thể làm điều tương tự, bởi vì họ thực sự đang chơi một trò chơi quản lý rủi ro”.
“Trò chơi” đó giờ đã trở nên quen thuộc: Sớm rút lui khỏi cuộc chiến chống lạm phát có thể dẫn đến lặp lại tình trạng lạm phát cao kết hợp tăng trưởng kinh tế trì trệ (stagflation) của thập niên 1970 và đầu những năm 1980; trong khi đi quá xa trong cuộc chiến này lại có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy các điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt đáng kể, với lãi suất cao hơn và các tiêu chuẩn cho vay khó khăn hơn sẽ là rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup nhận định trong một báo cáo: “Lạm phát cơ bản yếu hơn gần đây sẽ nhận được sự hoan nghênh từ ông Powell, nhưng ông ấy có thể muốn dữ liệu lạm phát dịu hơn trong vài tháng nữa trước khi có thể tự tin chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất. Theo quan điểm của chúng tôi, nền kinh tế Mỹ hiện tại không hướng tới một cuộc hạ cánh mềm. Sau một mùa hè với dữ liệu lạm phát cơ bản yếu hơn dự kiến, chúng tôi thấy rủi ro lạm phát tăng trở lại vào mùa thu”.
Tương tự như vậy, ông Steven Blitz - nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Globaldata.TSLombard - cho rằng “việc tăng lãi suất một cách ôn hòa và nói về hạ cánh mềm” tại cuộc họp ngày thứ Tư sẽ là một sai lầm đối với Fed.
“Máy bay hạ cánh, nền kinh tế thì không. Các nền kinh tế là một quá trình năng động tiếp diễn, và việc không có cuộc suy thoái nào ở Mỹ sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với Fed hơn là có suy thoái. Nền kinh tế đang đi vào suy thoái, nhưng nếu tránh được suy thoái bằng cách nào đó, thì tình trạng giảm lạm phát tại thời điểm này sẽ chỉ là thoáng qua, và như vậy, niềm tin của Fed rằng họ đang ở cuối chu kỳ thắt chặt cũng sẽ sớm tan biến”, ông Blitz viết trong một báo cáo.