Giới kiến trúc có nhiều tranh luận về họa tiết động vật được sử dụng trên giấy dán tường, đồ nội thất hoặc thảm trải sàn. Theo một vài nhà thiết kế, họa tiết ngựa vằn, báo, sư tử và da bò thu hút sự chú ý của mọi người khi bước vào phòng.
Không đồng quan điểm, nhiều kiến trúc sư khác lại cho rằng họa tiết da thú trong nội thất đã lỗi mốt. Đồng thời, màu sắc mô tả màu da của động vật không nên xuất hiện trong nhà ở mặc cho là đồ giả.
Để làm rõ hơn, Wall Street Journal phân tích hai ý kiến trái chiều xoay quanh phong cách trang trí này.
Ủng hộ
Nhà thiết kế người Pháp Madeleine Castaing nổi tiếng với những bức tường phủ kín họa tiết da báo. Bà khuyên người dùng nên mạnh dạn thử kiểu hoa văn này, nhưng phải kết hợp khéo léo nhằm tránh rườm rà, rối mắt.
Họa tiết động vật từng là biểu tượng cho sự sang trọng. Từ thời Ai Cập cổ đại, những ngôi mộ của pharaoh đã được trang trí bằng vải da báo. Ngày nay, nhiều nhà thiết kế đương đại vẫn ưa chuộng phong cách này.
Nhà thiết kế Sarah Vaile giải thích rằng kiểu họa tiết động vật mang tiếng xấu vì bị lạm dụng quá nhiều. Tuy nhiên, những màu như trắng, đen mô phỏng da động vật rất hợp với bảng màu trung tính.
Nhà thiết kế Ashley Whittaker (New York, Mỹ) cũng có quan điểm tương tự. Cô cho rằng để đạt hiệu quả thẩm mỹ, người dùng không nên lạm dụng bằng cách bọc vải họa tiết da thú cho một chiếc sofa lớn.
Thêm đó, phong cách lấy cảm hứng từ thiên nhiên này rất phong phú, có thể kể đến họa tiết ngựa vằn, hổ, báo, hươu cao cổ, thậm chí cả vân da bò và mai rùa. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng kết hợp chúng để đạt được sự cân bằng và khiến căn phòng sinh động hơn.
Phản đối
Ở luồng ý kiến ngược lại, nhà thiết kế Becky Shea (New York, Mỹ) chia sẻ rằng cô không thích động vật được sử dụng như một món đồ trang trí, ngay cả khi đó không phải là lông, da thật. Những họa tiết này chỉ nên xuất hiện ngoài tự nhiên, không phải trong nhà ở.
Rebecca Birdwell (Manhattan, Mỹ), chiến lược gia về thiết kế và kiến trúc, cho rằng chủ nhà hiện có nhiều lựa chọn thú vị và hấp dẫn hơn họa tiết da thú.
Cô đề cử các sản phẩm dệt có nguồn gốc tự nhiên, chẳng hạn như một loại lụa Nhật Bản có tên Bolero với họa tiết khá giống vảy cá, tuy nhiên là phiên bản tinh tế hơn.
Thêm đó, theo Alexis Barr, giảng viên Trường Thiết kế Nội thất New York, họa tiết da thú vốn nhận nhiều tranh cãi khi được sử dụng trong nghệ thuật ứng dụng, bao gồm nội thất và thời trang.
Nhiều nhà bảo vệ động vật tin rằng việc chấm dứt sử dụng đồ dùng mang hoa văn lông thú rừng có thể làm giảm hành vi giết hại động vật trái phép nhằm khai thác lông, da.
Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi lựa chọn và áp dụng cách trang trí này trong không gian của mình.